ican
Soạn Văn 10
Truyện Kiều (tiếp theo - Trao duyên)

Soạn bài Trao duyên (Truyện Kiều)

Văn 10 Soạn bài Trao duyên (Truyện Kiều): Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Trao duyên (Truyện Kiều) giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

TRAO DUYÊN

(TRÍCH TRUYỆN KIỀU)

- Nguyễn Du -

I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. 12 câu thơ đầu: Lời trao duyên khó nói

* 2 câu đầu: Lời nhờ cậy.

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Từ tác giả sử dụng

Từ có thể thay thế

Cậy: thanh trắc tạo âm điệu nặng nề, gợi sự quằn quại, đau đớn, vật vã trong nội tâm của Thúy Kiều.

-> nhờ vả, trông mong tin tưởng, gửi gắm niềm hi vọng thiết tha.

Nhờ: thanh bằng làm giảm phần nào cái quằn quại, đau đớn, khó nói của Kiều.

 

Chịu: bị bắt buộc, bị nài ép, thua thiệt. Cách ngắt nhịp 2/1/3 đắn đo day dứt cho lời nhờ cậy chẳng dễ dàng chút nào.

-> cầu em hãy lắng nghe mình, chấp nhận, chịu thiệt thòi.

Nhận: có phần nào tự nguyện.

- “Lạy”: trang nghiêm, cẩn trọng.

- “Thưa”: kính cẩn, trang trọng với bề trên hoặc với người mình hàm ơn.

→ Không khí trao duyên trang trọng, thiêng liêng.

→ Sự việc bất ngờ, phi lý mà lại hợp lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp nhờ, thấy được sự nhạy cảm, tinh tế và khôn khéo của Thúy Kiều.

Vẻ đẹp tâm hồn tinh tế của Kiều trong cách ứng xử nhân hậu, luôn nghĩ đến người khác.

* 10 câu thơ tiếp(Kiều kể rõ sự tình)

- Cảnh ngộ của Thúy Kiều:

+ Giữa đường đứt gánh.

+ Sóng gió bất kỳ.

+ Lựa chọn giữa hiếu – tình: “ Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

+ Mối tơ thừa - mối tình duyên Kim - Kiều → cách nói nhún mình.

→ Trân trọng với Vân vì nàng hiểu sự thiệt thòi của em.

+ Mặc em: phó mặc, ủy thác → vừa có ý mong muốn vừa có ý ép buộc Thúy Vân phải nhận lời.

- Kể lại vắn tắt câu chuyện tình yêu của Kiều - Kim.

+ Khi gặp chàng Kim

+ Khi quạt ước

+ Khi chén thề

Điệp từ “Khi” Tình yêu sâu nặng, gắn bó bền chặt của Kim – Kiều.

- Lời lẽ thuyết phục Thúy Vân:

+“ Ngày xuân”: Thúy Vân còn trẻ còn có tương lai

+“Tình máu mủ”:Tình chị em, tình ruột thịt thiêng liêng

+ “Thịt nát xương mòn”: cái chết của Kiều

+ “ Ngậm cười chín suối”: cái chết mán nguyện, yên lòng

→ Kiều viện đến cái chết để thuyết phục Vân

=>Thúy Kiều không chỉ là người con gái tài sắc mà còn rất thông minh khéo léo. Nàng hiểu được nỗi khó xử của Vân khi phải nối duyên thay chị. Nhưng với những lời lẽ thuyết phục của nàng Thúy Vân đã phải mặc nhiên chấp nhận không thể từ chối. Bởi vậy Thúy Vân không hề lên tiếng khi Kiều nói lời trao duyên.

Lí do trao duyên cho em:

+ Mối tình dang dở của Kim – Kiều → muốn em là người “chắp mối”.

+ Giữa tình và hiếu, Kiều đành chọn cách hi sinh tình cho hiếu.

→ Nhờ cậy Thúy Vân để trao duyên vì tình chị em, máu mủ, ruột rà mới có thể dễ dàng chia sẻ cảm thông. Đây mới là lí lẽ cơ bản và duy nhất.

- Lí trí làm chủ tình cảm.

→ Thúy Kiều là người sắc sảo, tinh tế, thông minh bên cạnh đó nàng là một người con hiếu thảo, có đức hy sinh và lòng vị tha và là một người nặng tình, nặng nghĩa.

Tâm trạng của Kiều khi giãy bày và tìm cách thuyết phục trao duyên cho em: Biết ơn chân thành, yên tâm, thanh thản, nhẹ người đi vì vấn đề nặng như núi cơ hồ đã được giải quyết. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là “tạm thời”. Khủng hoảng tâm tư trong lòng Thúy Kiều mới “tạm thời” được giải tỏa, bởi mâu thuẫn bi kịch thực sự trong lòng nàng đến đây lại bùng lên mãnh liệt.

*Tiểu kết:

- Nội dung: 12 câu thơ đầu là lời nhờ cậy, giãi bày, thuyết phục của Thúy Kiều với Thúy Vân trước một sự việc hệ trọng mà nàng sắp thực hiện.

- Nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ của Nguyễn Du có sự kết hợp hài hòa giữa cách nói trang trọng, văn hoa và giản dị, nôm na của cách nói dân gian.

+ Sử dụng các điển tích: keo loan, tơ duyên đi đôi với các thành ngữ: tình máu mủ, lời nước non, thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối…

Làm cho lời giãi bày và thuyết phục của Thúy Kiều chạm đúng vào niềm thương cảm và lay động được lòng trắc ẩn của Thúy Vân trong đêm trao duyên.

Qua đó thấy được sự chính xác, tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ và xây dựng hình tượng nhân vật của Nguyễn Du.

2. 14 câu thơ tiếp (từ câu 13 đến câu 26): Tâm trạng của Thúy Kiều khi trao kỉ vật và dặn dò em.

* 6 câu thơ đầu (từ câu 13 đến câu 18).

“Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

- Trao kỉ vật: “Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền”

→ Những kỉ vật thiêng liêng của Kiều với Kim Trọng.

- Lời dặn dò 1: “Duyên này thì giữ” >< “vật này của chung”:

+ “Duyên này”: tình riêng của Kiều với Kim Trọng.

+ “Của chung” → của Kim, Kiều.

→ nay còn là của Vân.

→ Tâm trạng Kiều đầy mâu thuẫn:

+ Khẩn khoản van nài Vân thay mình lấy Kim Trọng.

+ Trao kỉ vật lại thấy mình cũng có một phần trong đó.

→ Kiều cố níu giữ kỉ vật như một sự an ủi về tinh thần → Tiếc nuối, đau đớn.

Kiều chỉ có thể trao duyên (nghĩa) nhưng tình không thể trao. Câu thơ hàm ý sự đau xót của Thúy Kiều khi phải chia tay với kỉ vật của tình yêu.

+ “Của tin”: phím đàn, mảnh hương nguyền → những kỉ vật gắn bó, chứng giám tình yêu của Kim Kiều trong đêm trăng thề nguyền. Do vậy, “của tin” không còn là phạm trù vật chất nữa mà đã trở thành một phạm trù tinh thần, kết nối yêu thương, sự tin tưởng của hai người dành cho nhau.Dù ngay bây giờ thôi, “mất người” – mất đi hạnh phúc lứa đôi- Thúy Kiều vẫn còn “của tin” – tình cảm thiêng liêng – mà nàng giữ lại cho mình.

→ Cử chỉ thì trao kỉ vật, nhưng tâm trạng là một cuộc chia ly vĩnh biệt với mối tình đẹp đẽ đầy ắp những kỉ niệm yêu đương: làn hương, tiếng đàn. Tâm hồn đồng điệu dường như còn thổn thức cho nên nói với Thúy Vân lại như nói với chính mình.

* 8 câu thơ tiếp (từ câu 19 đến câu 26)

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

- Lời dặn dò 2:

+ Từ ngữ giả định: “ mai sau”, “dù có”.

→ Kiều tưởng tượng về cảnh ngộ của mình trong tương lai.

+ Hình ảnh: “lò hương”, “ngọn cỏ lá cây”, “hiu hiu gió”, “hồn”, “ thân bồ liễu”. “đền nghì trúc mai”, “dạ đài”, “giọt nước”, “ người thác oan”…→ gợi ra cuộc sống cõi âm, đầy thần linh, ma mị.

+ Nhịp điệu: chậm rãi, tha thiết, nghẹ ngào, tức tưởi → như tiếng khóc não nùng, có nén lại để không bật lên thành lời.

Kiều tưởng tượng ra cảnh mình chết oan, chết hận. Hồn tả tơi bay vật vờ trong gió, không sao siêu thoát được bởi trong lòng đang nặng lời thề ước với Kim Trọng.

Vẫn đang nói với Vân, đang dặn dò và tâm tình cùng em, nhưng hình như càng nói, Kiều càng dầng quên sự có mặt của em. Nàng chỉ nói một mình, với mình, thầm thì thành tiếng về tương lai mù mịt, thê thảm của chính mình.

→ Nghệ thuật miêu tả độc thoại nội tâm bậc thầy của Nguyễn Du.

Đang sống mà nàng lại nói đến cái chết

→ Nỗi đau của Kiều dồn lên đến đỉnh điểm. Qua đó thể hiện tình cảm bền chặt, thủy chung, mãnh liệt của Kiều đối với Kim Trọng.

* Tiểu kết:

- Nội dung: 14 câu thơ tiếp là một khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.

- Nghệ thuật:

+ Biện pháp điệp từ.

+ Cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm.

+ Độc thoại nội tâm.

3. 8 câu thơ cuối ( từ câu 27 đến câu 34): Tâm trạng của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng.

“Bây giờ trâm gãy bình tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân

Trăm nghìn gửi lại tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

- Từ ngữ “bây giờ”: Nàng luôn ý thực về thực tại.

- Những thành ngữ: “trâm gãy bình tan”, “hoa trôi lỡ làng”, “phận bạc như vôi” → chỉ sự tan vỡ, dở dang, bạc bẽo, trôi nổi của tình duyên và số phận con người.

- Hàng loạt các câu cảm thán, các thán từ: “ôi, hỡi, thôi thôi”

- Động từ “lạy”(lạy tình quân): cái “lạy” nghe tức tưởi, nghẹn ngào. Bởi đây là cái “lạy” tạ lỗi, nhận hết phần lỗi về mình nhưng nàng lại không phải là người có lỗi → Nàng là người có đức hi sinh cao cả và lòng vị tha hết sức thanh cao.

Nỗi đau đớn tuyệt vọng đến mê sảng. Kiều tự cho mình là người phụ bạc, người có lỗi lớn với Kim Trọng

- Điệp từ: “Kim lang”: Kim Trọng → Nếu ở đoạn đầu, Thúy Kiều mới chỉ gọi Kim Trọng là “chàng” – người yêu- thì đến đây nàng đã gọi bằng từ xưng hô thân thiết, gắn bó là “Kim lang” – chồng . Sự thay đổi trong cách gọi cho thấy Kiều đã thực sự nên duyên phận với Kim Trọng bằng trái tim yêu mãnh liệt mà dù đang còn sống, hay đã chết cũng không thể chia cắt được.

- Nghệ thuật độc thoại nội tâm: Lời nói hướng đến Kim Trọng(người vắng mặt) nhưng lại là tự dằn vặt, dày vò chính mình.

Tư thế và tâm trạng của Kiều: vật vã, đau đớn rồi ngất đi trong tiếng kêu thảng thốt, ai oán.

Như vậy cung bậc tình cảm của Thúy Kiều từ đầu cho đến cuối bài thơ cứ chất dần lên đến đỉnh điểm. Thúy Kiều dưới ngòi bút của NguyễN Du không chỉ là con người nghĩa vụ, con người chức năng mà hiện lên với tư cách là con người cá nhân, luôn khát khao thoát khỏi sự gò bó, khuôn phép của xã hội phong kiến. Qua đó thấy được cách sử dụng ngôn từ điêu luyện, tài năng miểu tả tâm nhân vật trữ tình của Nguyễn Du.

* Tiểu kết:

- Nội dung: Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hường về tình yêu của mình và Kim Trọng.

- Nghệ thuật:

+Sử dụng từ ngữ , thành ngữ gợi số phận trôi nổi, vô định, bạc mệnh.

+ Lựa chọn các câu cảm thán và thán từ có giá trị biểu cảm cao.

+ Các điệp từ vừa có tác dụng nhấn mạnh nỗi đau của Kiều vừa xoáy sâu vào bi kịch bất hạnh của nhân vật.

II. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 106)

- Vì để giữ trọn chữ hiếu, bán mình chuộc cha, Thúy Kiều đã hi sinh tình yêu của đời mình. Những kỷ niệm tình yêu đẹp đẽ được nhớ lại như một điều tất yếu trong khoảnh khắc vô cùng đau xót trong cuộc đời nàng.

- Kỷ niệm ùa về ngỡ như mọi thứ mới vừa qua, tình yêu đối với Kim Trọng của Kiều vẫn bừng bừng trong trái tim nàng. Nhưng càng nhớ càng làm nỗi đau của nàng tăng lên.

- Trong tâm hồn Kiều, tình yêu và những kỷ niệm của tình yêu có sức sống mãnh liệt.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 106)

Ý nghĩ về cái chết được lặp đi lặp lại như đã định trong tâm trí Kiều.

- Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Lấy cái chết để uy thác tình yêu cho Thúy Vân.

- Trông ra ngọn cỏ lá cây ,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

- Liên tưởng hồn mình trở về, nhớ lại cảnh Đạm Tiên đã hiện về qua làn gió khi thăm mộ Đạm Tiên.

- Nàng cảm thấy nếu không có tình yêu thì không còn lại điều gì đáng lưu luyến trong cuộc đời, cái chết của nàng sẽ là một cái chết oan nghiệt “Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

- Tiếng nói thương thân xót phận của người con gái tha thiết với tình yêu mà số phận nghiệt ngã

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 106)

Về hình thức Kiều đang đối thoại với Thúy Vân, tuy nhiên có lúc Kiều tựa như đang độc thoại, đôi lúc lại chuyển sang nói với Kim Trọng.

- Đối thoại với Thúy Vân: Biết ơn chân thành, yên tâm, thanh thản, nhẹ người đi vì vấn đề nặng như núi cơ hồ đã được giải quyết. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là “tạm thời”. Khủng hoảng tâm tư trong lòng Thúy Kiều mới “tạm thời” được giải tỏa, bởi mâu thuẫn bi kịch thực sự trong lòng nàng đến đây lại bùng lên mãnh liệt.

- Đối thoại với chính mình: Vẫn đang nói với Vân, đang dặn dò và tâm tình cùng em, nhưng hình như càng nói, Kiều càng dầng quên sự có mặt của em. Nàng chỉ nói một mình, với mình, thầm thì thành tiếng về tương lai mù mịt, thê thảm của chính mình. Là một khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.

- Đối thoại với Kim Trọng: Nỗi đau đớn tuyệt vọng đến mê sảng. Kiều tự cho mình là người phụ bạc, người có lỗi lớn với Kim Trọng

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 106)

Trong cảnh “trao duyên” Thúy Kiều không chỉ là người con gái tài sắc mà còn rất thông minh khéo léo. Nàng hiểu được nỗi khó xử của Vân khi phải nối duyên thay chị. Nhưng với những lời lẽ thuyết phục của nàng Thúy Vân đã phải mặc nhiên chấp nhận không thể từ chối. Bởi vậy Thúy Vân không hề lên tiếng khi Kiều nói lời trao duyên.

Cung bậc tình cảm của Thúy Kiều từ đầu cho đến cuối bài thơ cứ chất dần lên đến đỉnh điểm. Thúy Kiều dưới ngòi bút của NguyễN Du không chỉ là con người nghĩa vụ, con người chức năng mà hiện lên với tư cách là con người cá nhân, luôn khát khao thoát khỏi sự gò bó, khuôn phép của xã hội phong kiến. Qua đó thấy được cách sử dụng ngôn từ điêu luyện, tài năng miểu tả tâm nhân vật trữ tình của Nguyễn Du.

 

Gợi ý Văn 10 Soạn bài Trao duyên (Truyện Kiều) do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (206)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy