ican
Vật lý 9
Bài 55: Màu sắc các vật dưới ánh sáng trắng và dưới ánh sáng màu

MÀU SẮC CÁC VẬT DƯỚI ÁNH SÁNG TRẮNG VÀ DƯỚI ÁNH SÁNG MÀU

Vật Lý 9 bài Màu sắc các vật dưới ánh sáng trắng và dưới ánh sáng màu: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa Màu sắc các vật dưới ánh sáng trắng và dưới ánh sáng màu: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BÀI 55. MÀU SẮC CÁC VẬT DƯỚI ÁNH SÁNG TRẮNG VÀ DƯỚI ÁNH SÁNG MÀU

I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Vật màu trắng, vật màu đỏ, vật màu xanh và vật màu đen dưới ánh sáng trắng

+ Khi ánh sáng truyền từ vật vào mắt thì ta sẽ nhìn thấy vật

+ Dưới ánh sáng trắng, vật có màu nào thì có ánh sáng màu đó truyền vào mắt ta (trừ vật màu đen). Ta gọi đó là màu của vật.

  • Vật màu đỏ là do có ánh sáng màu đỏ truyền vào mắt ta.
  • Vật màu xanh là do có ánh sáng màu xanh truyền vào mắt ta.
  • Vật màu trắng là do có ánh sáng trắng truyền vào mắt ta.
  • Khi nhìn thấy vật màu đen thì không có ánh sáng màu nào truyền từ vật đến mắt ta.

2. Khả năng tán xạ ánh sáng màu của các vật

+ Các vật màu thông thường là các vật không tự phát ra ánh sáng, chúng chỉ có khả năng tán xạ (hắt lại theo mọi phương) ánh sáng chiếu đến chúng.

  • Vật màu trắng có khả năng tán xạ tất cả các ánh sáng màu.
  • Vật có màu nào thì tán xạ tốt ánh sáng màu đó, nhưng tán xạ kém ánh sáng các màu khác.
  • Vật màu đen không có khả năng tán xạ bất kì ánh sáng màu nào.

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Phần này chủ yếu là những câu hỏi lí thuyết, các em cần nắm vững và vận dụng linh hoạt các kiến thức ở phần I để giải thích đúng hiện tượng của câu hỏi. Lưu ý một số nội dung sau:

  • Sở dĩ các vật có màu sắc khác nhau vì chúng có khả năng tán xạ lọc lựa các ánh sáng màu.
  • Vật có thể tán xạ tốt ánh sáng màu này và tán xạ kém ánh sáng màu khác.
  • Vật màu trắng tán xạ tốt tất cả các ánh sáng màu.
  • Vật màu đen không tán xạ bất kì ánh sáng màu nào, nhờ có ánh sáng từ các vật khác chiếu đến mắt ta mới nhận ra được vật màu đen.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 144 SGK Vật Lí 9):

Đặt các vật dưới ánh sáng trắng.

  • Nếu thấy vật màu trắng, vật màu đỏ, vật màu xanh lục thì có ánh sáng màu nào truyền từ vật vào mắt ta?
  • Nếu thấy vật màu đen thì sao?

Trả lời:

  • Khi nhìn thấy vật màu trắng, vật màu đỏ, vật màu xanh lục thì có ánh sáng trắng, ánh sáng đỏ, ánh sáng xanh lục truyền từ các vật đó vào mắt.
  • Khi nhìn thấy vật màu đen thì không có ánh sáng màu nào truyền từ vật đến mắt.

Câu C2 (trang 145 SGK Vật Lí 9):

Rút ra nhận xét về màu của các vật màu đỏ, xanh lục, đen và trắng khi chiếu chúng bằng ánh sáng đỏ.

Trả lời:

  • Dưới ánh sáng đỏ, vật màu trắng có màu đỏ. Vậy vật màu trắng tán xạ tốt ánh sáng đỏ.
  • Dưới ánh sáng đỏ, vật màu đỏ vẫn có màu đỏ. Vậy vật màu đỏ tán xạ tốt ánh sáng đỏ.
  • Dưới ánh sáng đỏ, vật màu xanh lục gần như trở thành màu đen. Vậy vật màu xanh lục tán xạ rất yếu ánh sáng màu đỏ.
  • Dưới ánh sáng đỏ, vật màu đen vẫn có màu đen. Vậy vật màu đen không tán xạ ánh sáng đỏ.

Câu C3 (trang 145 SGK Vật Lí 9):

Hãy rút ra nhận xét và kết luận khi chiếu ánh sáng xanh lục vào các vật màu đỏ, màu xanh lục, màu đen và màu trắng.

Trả lời:

  • Dưới ánh sáng xanh lục, vật màu trắng có màu xanh. Vậy vật màu trắng tán xạ tốt ánh sáng xanh lục.
  • Dưới ánh sáng xanh lục, vật màu đỏ gần như trở thành màu đen. Vậy vật màu đỏ tán xạ rất kém ánh sáng xanh lục.
  • Dưới ánh sáng xanh lục, vật màu xanh lục vẫn có màu xanh lục. Vậy vật màu xanh lục tán xạ tốt ánh sáng xanh lục.
  • Dưới ánh sáng xanh lục, vật màu đen vẫn có màu đen. Vậy vật màu đen không tán xạ ánh sáng xanh lục.

Câu C4 (trang 145 SGK Vật Lí 9):

Ban ngày, lá cây ngoài đường thường có màu gì? Trong đêm tối ta thấy nó có màu gì? Tại sao?

Trả lời:

  • Ban ngày, lá cây ngoài đường thường có màu xanh vì chúng tán xạ tốt ánh sáng xanh trong chùm sáng của Mặt Trời.
  • Trong đêm tối, ta thấy chúng có màu đen vì không có ánh sáng chiếu đến chúng và chúng chẳng có gì để tán xạ.

Câu C5 (trang 145 SGK Vật Lí 9):

Đặt một tấm kính đỏ (hay một mẩu giấy bóng kính đỏ) trên một tờ giấy trắng rồi chiếu ánh sáng trắng vào tấm kính. Nhìn tờ giấy qua tấm kính ta sẽ thấy nó có màu gì? Tại sao? Nếu thay tờ giấy trắng bằng tờ giấy xanh thì ta sẽ thấy có màu gì? Tại sao?

Trả lời:

  • Đặt một tấm kính đỏ trên một tờ giấy trắng, rồi chiếu ánh sáng trắng vào tấm kính ta sẽ thấy tờ giấy màu đỏ.
  • Ta giải thích như sau: Ánh sáng đỏ trong chùm ánh sáng trắng truyền qua được tấm kính đỏ, rồi chiếu vào tờ giấy trắng. Tờ giấy trắng tán xạ tốt ánh sáng đỏ. Ánh sáng đỏ này lại truyền qua tám hình đỏ theo chiều ngược lại, vào mắt ta. Vì thế ta thấy tờ giấy màu đỏ. Chú ý là không được nhìn tấm kính theo phương phàn xạ ánh sáng. Vì khi đó ánh sáng phản xạ ở mặt trên của tấm kính sẽ truyền vào mắt ta làm ta bị lóa và thấy ánh sáng trắng.
  • Nếu thay tờ giấy trắng bằng tờ giấy xanh thì ta sẽ thấy tờ giấy màu đen. Vì tờ giấy xanh tán xạ kém ánh sáng đỏ.

Câu C6 (trang 145 SGK Vật Lí 9):

Tại sao khi đặt một vật màu đỏ dưới ánh sáng trắng ta thấy nó có màu đỏ, khi đặt một vật màu xanh dưới ánh sáng trắng ta thấy nó có màu xanh…?

Trả lời:

Trong chùm sáng trắng có đủ mọi ánh sáng màu. Khi đặt một vật màu đỏ dưới ánh sáng trắng, ta thấy nó có màu đỏ vì nó tán xạ tốt ánh sáng đỏ trong chùm sáng trắng. Tương tự như vậy, đặt một vật màu xanh dưới ánh sáng trắng ta sẽ thấy vật màu xanh.

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 9 bài Màu sắc các vật dưới ánh sáng trắng và dưới ánh sáng màu do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (262)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy