ican
Soạn Văn 9
Viếng lăng Bác

Soạn bài Viếng lăng Bác

Văn 9 Soạn bài Viếng lăng Bác: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Viếng lăng Bác giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

VIẾNG LĂNG BÁC

- Viễn Phương -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 60)

- Cảm xúc bao trùm trong bài thơ: Niềm xúc động sâu sắc, lòng thành kính, biết ơn, tự hào xen lẫn nỗi xót đau khi vào lăng viếng Bác.

- Trình tự biểu hiện trong bài: theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác:

+ Khổ đầu: Cảm xúc trước cảnh vật bên ngoài lăngBác.

+ Khổ hai: Cảm xúc trước hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác.

+ Khổ ba: Cảm xúc khi vào trong lăng, đứng trước di hài Bác.

+ Khổ cuối: Cảm xúc khi sắp trở về miền Nam.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 60)

- Hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu:

+ Hình ảnh hàng tre chạy dài quanh lăng tạo nên sự thân thuộc, gần gũi với người dân.

+ Hình ảnh “Hàng tre xanh xanh Việt Nam” gây ấn tượng về màu xanh bất tận và sức sống trường tồn của cây tre Việt Nam.

+ Qua đó, tác giả gợi liên tưởng đến vẻ đẹp của con người Việt Nam. Cây tre biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường và những phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Dẫu phải trải qua bao gian khó, thử thách “bão táp mưa sa”, nhân dân ta vẫn hiên ngang, đoàn kết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

- Trong câu thơ cuối, với hình ảnh “cây tre trung hiếu chốn này”, nhà thơ thể hiện ước nguyện được mãi mãi đi theo con đường sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh – trung với nước, hiếu với dân.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 60)

* Tình cảm của nhà thơ và mọi người dành cho Bác trong khổ thơ thứ 2, 3, 4: Lòng thành kính, biết ơn xen lẫn nỗi xót đau khi vào lăng viếng Bác:

- Khổ 2:

+ “Mặt trời trong lăng rất đỏ” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Nếu như mặt trời tự nhiên mang đến ánh sáng, sự sống cho nhân loại thì Bác chính là vầng thái dương của dân tộc Việt Nam – Người đã mang đến ánh sáng của độc lập, tự do, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, dân tộc.

+ Dòng người vào lăng viếng Bác được ví như một tràng hoa. Mỗi người giống như một đóa hoa kết nên tràng hoa dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” cuộc đời Bác.

- Khổ 3:

+ Đứng trước di hài của Bác, nhà thơ khẳng định Bác đang nghỉ ngơi sau những tháng ngày trằn trọc, thao thức vì việc dân việc nước: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”. Cách nói giảm nói tránh vừa làm giảm bớt đau thương vừa khẳng định Bác vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

+ “Trời xanh” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Qua đó, tác giả ngợi ca sự to lớn, vĩ đại sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng của Bác.

+ Cấu trúc “Vẫn biết … mà sao …” kết hợp với động từ mạnh “nhói” đã thể hiện nỗi đau vô hạn của nhân dân khi đứng trước di hài của Bác.

- Khổ 4:

+ Điệp ngữ “muốn làm” kết hợp với biện pháp tu từ liệt kê đã thể hiện ước nguyện hóa hóa thân thành những sự vật bình dị để mãi được ở bên Bác của tác giả.

+ Hình ảnh ẩn dụ “cây tre trung hiếu” thể hiện ước nguyện được mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã chọn – trung với Đảng, hiếu với dân.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 60)

- Bài thơ có sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc với các yếu tố nghệ thuật:

+ Giọng điệu trang trọng, tha thiết; nhịp thơ chậm góp phần thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động vô hạn của nhà thơ khi đến lăng viếng Bác.

+ Nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp, gợi cảm kết hợp với biện pháp tu từ nói giảm, nói tránh góp phần thể hiện sự kính trọng, biết ơn không chỉ của tác giả mà còn của toàn thể dân tộc dành cho Bác…

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

2. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 60)

- Học sinh học thuộc lòng bài thơ.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 60)

Khổ thơ thứ ba trong bài thơ “Viếng lăng Bác” đã thể hiện được nỗi niềm thương nhớ, xót xa của Viễn Phương khi đứng trước di hài của Bác. Bao tình cảm ấp ủ, dồn nén bấy lâu, nay được gặp bóng dáng thân thương của Bác, trong lòng nhà thơ trào dâng bao cảm xúc mãnh liệt:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Cách nói giảm nói tránh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” đã khẳng định Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Người chỉ đang nghỉ ngơi sau những tháng ngày trằn trọc, thao thức vì dân vì nước: “Suốt cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu – Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ”. Giấc ngủ của Bác thật đẹp, ngủ giữa một “vầng trăng sáng dịu hiền”. Hình ảnh thơ gợi liên tưởng độc đáo, thi vị. Cùng với mặt trời, mặt trăng góp phần hoàn thiện bức chân dung vĩ đại, sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng của Bác. Vầng trăng ấy cũng chính là ẩn dụ cho tâm hồn thanh bạch, sáng trong của Bác. Mặc dù lí trí khẳng định “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi” nhưng không ngăn nổi nỗi xót thương trước thực tế mất mát: “Mà sao nghe nhói ở trong tim!”. Cấu trúc “Vẫn biết … mà sao” kết hợp với động từ mạnh “nhói” diễn tả nỗi đau vô hạn của nhà thơ – một đứa con về muộn khi đứng bên di hài Cha. Nỗi đau ấy không gì có thể diễn tả nỗi, bởi đó là nỗi đau của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa – Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Như vậy, chỉ với bốn câu thơ, Viễn Phương không chỉ khắc họa vẻ đẹp của Bác mà còn bộc lộ tình yêu, nỗi đau của toàn thể dân tộc trước sự “ra đi” của Bác.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Viếng lăng Bác do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (315)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy