ican
Soạn Văn 9
Tổng kết phần Tập làm văn (trang 169)

Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn

Văn 9 Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

TỔNG KẾT PHẦN TẬP LÀM VĂN

I. CÁC KIỂU VĂN BẢN ĐÃ HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THCS

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 170)

- Các kiểu văn bản trên:

+ Khác nhau về phương thức biểu đạt.

+ Khác nhau về hình thức thể hiện.

- Cụ thể:

STT

Kiểu văn bản

Phương thức biểu đạt

1

Văn bản tự sự

- Trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục, biểu lộ ý nghĩa.

- Mục đích: Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ tình cảm, thái độ.

2

Văn bản miêu tả

- Tái hiện các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng làm cho chúng hiển hiện.

- Mục đích: Giúp con người cảm nhận và hiểu được chúng.

3

Văn bản biểu cảm

- Bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của con người đối với con người, thiên nhiên, xã hội, sự vật.

- Mục đích: Bày tỏ tình cảm và khơi gợi sự đồng cảm.

4

Văn bản

thuyết minh

- Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả, tính có ích hoặc có hại của sự vật, hiện tượng.

- Mục đích: Giúp người đọc có tri thức khách quan và có thái độ đúng với chúng.

5

Văn bản nghị luận

- Trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.

- Mục đích: Thuyết phục mọi người tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu.

6

Văn bản hành chính - công vụ

- Trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm pháp lí về các ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tập thể đối với cơ quan quản lí; hay ngược lại, bày tỏ yêu cầu, quyết định của người có thẩm quyền đối với người có trách nhiệm thực thi, hoặc thỏa thuận giữa công dân với nhau về lời ích và nghĩa vụ.

- Mục đích: Đảm bảo các quan hệ bình thường giữa người với người theo quy định và pháp luật.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 170)

- Các kiểu văn bản không thể thay thế được cho nhau vì:

+ Phương thức biểu đạt khác nhau.

+ Hình thức thể hiện khác nhau.

+ Hoàn cảnh giao tiếp khác nhau.

+ Mục đích khác nhau.

+ Các yếu tố cấu thành văn bản khác nhau.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 170)

- Trong văn bản cụ thể, các phương thức biểu đạt có thể kết hợp với nhau để tạo ra hiệu quả giao tiếp cao nhất. Tùy theo mục đích sử dụng mà các phương thức biểu đạt được kết hợp khác nhau, vì: ngoài chức năng thông tin, các văn bản còn có chức năng tạo lập và duy trì quan hệ xã hội.

- Ví dụ: Trong bài thơ “Bếp lửa”, phương thức biểu đạt chính là biểu cảm; song tác giả còn phối kết hợp với một số phương thức khác như: tự sự (kể lại những kỉ niệm của người cháu bên bà), miêu tả (Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy, cháy tàn cháy rụi, trở về lầm lụi…); nghị luận (Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa … Ôi kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa!).

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 170)

a. Các thể loại văn học đã học: tự sự, trữ tình, kịch, kí.

b. Phương thức biểu đạt của mỗi thể loại:

- Thể loại tự sự: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh…

- Thể loại trữ tình: biểu cảm, tự sự, miêu tả…

- Thể loại kịch: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận…

- Thể loại kí: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận…

c. Văn bản thơ, truyện, kịch có thể sử dụng yếu tố nghị luận. Ví dụ: Trong truyện ngắn “Bến quê”, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện triết lí về con người, cuộc đời qua suy nghĩ của nhân vật Nhĩ: “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 171)

* So sánh văn bản tự sự và thể loại văn học tự sự:

- Giống nhau: Kể sự việc.

- Khác nhau:

+ Văn bản tự sự: phương thức biểu đạt chính phải là tự sự.

+ Thể loại tự sự: đa đạng (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch…).

* Thế nghệ thuật trong tác phẩm văn học tự sự thể hiện ở: Cốt truyện – nhân vật – sự việc – kết cấu.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 171)

* So sánh kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình:

- Giống nhau: Chứa đựng cảm xúc, tình cảm chủ đạo.

- Khác nhau:

+ Văn bản biểu cảm: bày tỏ cảm xúc về một đối tượng (thường là văn xuôi).

+ Tác phẩm trữ tình: thể hiện đời sống cảm xúc phong phú của chủ thể trước vấn đề đời sống (thơ).

* Đặc điểm của thể loại văn học trữ tình:

- Ngắn gọn, súc tích.

- Thể hiện đời sống cảm xúc phong phú, đa dạng của chủ thể trữ tình trước những vấn đề trong đời sống.

- Hệ thống từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm…

Câu 7 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 171)

- Tác phẩm nghị luận cần sử dụng các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự. Chính các yếu tố này giúp cho việc triển khai luận điểm được thuyết phục hơn.

- Tuy nhiên, cần sử dụng ở một mức độ vừa phải, hợp lí vì phương thức biểu đạt chính vẫn phải là nghị luận, các yếu tố còn lại chỉ đóng vai trò phụ, bổ sung thêm cho yếu tố chính.

II. PHẦN TẬP LÀM VĂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THCS

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 171)

- Mối quan hệ giữa phần Văn và Tập làm văn: Qua đọc hiểu văn bản hình thành kĩ năng viết tập làm văn:

+ Mô phỏng kiểu văn bản và phương thức biểu đạt.

+ Học phương pháp kết cấu.

+ Học cách diễn đạt.

+ Cung cấp kiến thức.

+ Gợi ý sáng tạo.

- Ví dụ: Thông qua những truyện dân gian, truyện ngắn hiện đại hay những tiểu thuyết được đọc/ được học, học sinh có thể tự kể lại một câu chuyện của chính mình hay tưởng tượng, sáng tạo một câu chuyện có nhiều yếu tố độc đáo, bất ngờ.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 171)

- Phần Tiếng Việt có mối quan hệ chặt chẽ với phần Văn và phần Tập làm văn:

+ Sẽ có kĩ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn, có cách diễn đạt hay.

+ Tránh được những lỗi thông thường khi nói và viết.

- Ví dụ: Bằng việc nắm chắc các biện pháp tu từ, người đọc có thể dễ dàng hiểu, phân tích/ cảm thụ các tác phẩm văn học.

+ Bằng biện pháp tu từ so sánh “công cha” – “núi Thái Sơn”, “nghĩa mẹ” – “nước trong nguồn chảy ra”, tác giả dân gian đã ngợi ca công lao trời biển của cha mẹ với con cái. Công lao ấy không thể đong đếm được, nó sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 171)

- Các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc rèn luyện kĩ năng làm văn:

+ Đọc văn bản tự sự, miêu tả giúp kể chuyện và làm văn miêu tả hay hơn, sinh động và hấp dẫn hơn.

+ Đọc văn nghị luận, thuyết minh giúp cho học sinh cách tư duy lô-gic khi trình bày một vấn đề nào đó cũng như có được những tri thức khoa học, chính xác về đối tượng.

+ Đọc văn bản biểu cảm giúp học sinh có cảm xúc sâu lắng để bày tỏ tình cảm, cảm xúc với những đối tượng cụ thể trong đời sống.

=> Kĩ năng viết được nâng cao, tốt lên.

III. CÁC KIỂU VĂN BẢN TRỌNG TÂM

1. Văn bản thuyết minh

a. Đích biểu đạt của văn bản thuyết minh: cung cấp tri thức khách quan về đối tượng.

b. Muốn làm được bài văn thuyết minh, người viết cần có tri thức về đối tượng cần thuyết minh và nắm vững các phương pháp thuyết minh.

c. Các phương pháp thường dùng trong văn bản thuyết minh:

- Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.

- Phương pháp liệt kê.

- Phương pháp nêu ví dụ.

- Phương pháp dùng số liệu (con số).

- Phương pháp so sánh…

d. Ngôn ngữ của văn bản thuyết minh cần chính xác, cô đọng, dễ hiểu.

2. Văn bản tự sự

a. Đích biểu đạt của văn bản tự sự: biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ tình cảm, thái độ.

b. Muốn làm được bài văn tự sự, người viết cần xây dựng được cốt truyện (hệ thống nhân vật, các sự việc được sắp xếp theo một trình tự nhất định).

c. Các văn bản văn học luôn có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt. Việc kết hợp các yếu tố miêu tả, nghị luận làm cho văn bản tự sự trở nên sinh động, sâu sắc hơn.

d. Ngôn ngữ trong văn tự sự: ngắn gọn, giản dị, gần với cuộc sống.

3. Văn bản nghị luận

a. Đích biểu đạt của văn bản nghị luận: Thuyết phục mọi người tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu.

b. Các yếu tố tạo thành văn bản nghị luận: luận điểm, luận cứ, lập luận.

c. Yêu cầu đối với luận điểm, luận cứ và lập luận:

- Rõ ràng, rành mạch.

- Chặt chẽ, thuyết phục.

c.

* Dàn bài chung của bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống:

+ Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận.

+ Thân bài: Liên hệ thực tế, phân tích các mặt; nêu đánh giá, nhận định.

+ Kết bài: Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên.

* Dàn bài chung của bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:

+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

+ Thân bài:

  • Giải thích, chứng minh nội dung vấn đề tư tưởng, đạo lí.
  • Nhận định, đánh giá vấn đề tư tưởng, đạo lí đó trong bối cảnh của cuộc sống riêng, chung.

+ Kết bài: Kết luận, tổng kết, nêu nhận thức mới, tỏ ý khuyên bảo hoặc tỏ ý hành động.

e.

* Dàn bài chung của bài nghị luận về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích):

+ Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

+ Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.

+ Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

* Dàn bài chung của bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ:

+ Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu nhận xét, đánh giá của mình. (Nếu phân tích một đoạn thơ nên nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó).

+ Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

+ Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (379)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy