ican
Soạn Văn 9
Tiếng nói của văn nghệ

Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ

Văn 9 Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

 

TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ

- Nguyễn Đình Thi -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 17)

- Hệ thống luận điểm của bài viết:

+ Phần 1 (Từ đầu cho đến “một cách sống của tâm hồn”): Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ: Từ hiện thực khách quan, nội dung của văn nghệ chứa đựng những nhận thức mới mẻ, tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ muốn gửi tới người đọc, người nghe.

+ Phần 2 (Từ chỗ tiếp theo cho đến “mắt không rời trang giấy”): Văn nghệ có vai trò quan trọng với cuộc sống con người, nhất là trong hoàn cảnh chiến đấu, sản xuất vô cùng gian khổ thời kháng chiến chống Pháp.

+ Phần 3 (Còn lại): Văn nghệ có khả năng cảm hóa và lôi cuốn kì diệu bởi văn nghệ là tiếng nói của tình cảm, tác động đến mỗi người thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim.

=> Bố cục chặt chẽ, hợp lí.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 17)

- Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ:

+ Văn nghệ lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”.

+ Người nghệ sĩ không sao chép nguyên xi hiện thực mà gửi gắm vào trong văn nghệ tư tưởng, tình cảm, nhận thức mới mẻ: “Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 17)

- Con người cần tiếng nói của văn nghệ vì:

+ Văn nghệ giúp mỗi người hiểu hơn về thế giới, về con người. Văn nghệ khiến ta suy ngẫm, xúc cảm cùng với người nghệ sĩ: “... ngồi mãi trước trang sách chưa muốn gấp, đầu óc bâng khuâng nặng những suy nghĩ, trong lòng còn vương vấn những vui buồn không bao giờ quên được nữa…”.

+ Văn nghệ giúp mỗi người hiểu rõ mình hơn để hoàn thiện bản thân: “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bấy giờ biến thành của ta, và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”.

+ Với những người sống trong “tăm tối”, tác phẩm văn nghệ “gieo vào bóng tối … một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường”. Nói cách khác, văn nghệ đã đánh thức xúc cảm, giúp con người biết vui lên, rung cảm và ước mơ trước cuộc đời còn nhiều vất vả, nhọc nhằn.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 17)

- Con đường văn nghệ đến với người đọc:

+ Tôn-xtôi nói vắn tắt: Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Bởi vậy, văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa người nghệ sĩ với bạn đọc thông qua tình cảm: “Chỗ đứng của văn nghệ là ở tình yêu ghét, niềm vui buồn, ý đẹp xấu trong đời sống thiên nhiên và đời sống xã hội của chúng ta”.

+ Văn nghệ tác động đến tư tưởng của con người.

=> Dù tác động qua con đường nào thì văn nghệ “không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy”.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 17)

- Đặc sắc nghệ thuật của văn bản:

+ Bố cục chặt chẽ, hợp lí.

+ Cách dẫn dắt tự nhiên.

+ Sử dụng thành công dẫn chứng trong thơ văn, dẫn chứng trong thực tế để khẳng định các quan điểm, ý kiến của bài viết.

+ Giọng văn chân thành, say sưa, tràn đầy nhiệt hứng...

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp cho con người được sống phong phú và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình.

2. Giá trị nghệ thuật

- Bố cục bài viết chặt chẽ, hợp lí.

- Cách viết vừa chặt chẽ, vừa giàu hình ảnh và cảm xúc.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 17)

Đã nhiều lần đọc cuốn “Những tấm lòng cao cả” của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, nhưng lần nào tôi cũng dừng lại một hồi lâu trước văn bản “Mẹ tôi”. Không chỉ vì đó là tác phẩm được lựa chọn trong chương trình Ngữ văn THCS mà vì nó đã thực sự chạm đến trái tim của tôi. Tôi nhìn thấy mình trong nhân vật En-ri-cô - một người con ngang bướng, nghịch ngợm, thường làm cho cha mẹ buồn lòng. Tôi nhìn thấy bóng dáng người mẹ hiền hậu, giàu đức hi sinh của mình qua lời văn chân thực, giản dị mà bố En-ri-cô nhắc cậu: “Hãy nghĩ xem, En-ri-cô à! Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư? Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!”. Và tôi cũng nhận ra mình cần phải yêu thương, kính trọng cha mẹ, bởi “… tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó”.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.

Đánh giá (320)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy