ican
Soạn Văn 9
Sang thu

Soạn bài Sang thu

Văn 9 Soạn bài Sang thu: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Sang thu giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

SANG THU

- Hữu Thỉnh -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 71)

- Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu qua hương ổi – mùi hương quen thuộc, dân dã của làng quê như sánh lại, quyện lại theo làn gió se lan tỏa vào không gian.

- Cảm nhận về sự biến đổi của đất trời sang thu còn được thể hiện qua hình ảnh làn sương “chùng chình” giăng mắc nơi đầu thôn ngõ xóm, dòng sông dềnh dàng trôi, những cánh chim bắt đầu vội vã bay về phương Nam tránh rét, đám mây mỏng như dải lụa vắt ngang bầu trời, nắng vẫn còn nhiều đã bớt đi cái oi nồng, gay gắt của mùa hạ, mưa cũng ít dần đi, sấm cũng thưa dần và không đủ sức lay động hàng cây đã bao mùa thay lá.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 71)

- Cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những biến chuyển trong không gian lúc sang thu:

+ Bằng khứu giác, nhà thơ cảm nhận mùi hương ổi thơm đậm nồng nàn, hương thơm như sánh lại, lan tỏa vào không gian, len lỏi vào các vườn thôn ngõ xóm.

+ Bằng xúc giác, nhà thơ cảm nhận được làn gió se lạnh buổi đầu thu.

+ Bằng thị giác, nhà thơ cảm nhận được bước đi chầm chậm, như còn lưu luyến, vấn vương của sương thu trong khoảnh khắc giao mùa cũng như trạng thái vận động đối ngược của dòng sông và những cánh chim và hình ảnh đám mây vắt ngang trời như cầu nối giữa hai nhịp thời gian – mùa hạ và mùa thu.

+ Bằng động từ “phả” kết hợp với các từ láy tượng hình “chùng chình”, “dềnh dàng”, vội vã”, nhà thơ đã khắc họa chân thực bức tranh thiên nhiên trước bước chuyển mình của thời gian.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 71)

- Nét riêng của thời điểm giao mùa hạ - thu được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua hình ảnh thơ “Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu”. Biện pháp tu từ nhân hóa kết hợp với sự liên tưởng độc đáo của nhà thơ gợi hình dung về đám mây mỏng như dải lụa vắt ngang trời, ranh giới nửa như nghiêng về mùa hạ, nửa như nghiêng về mùa thu.

- Hai dòng thơ cuối: “Sấm cũng bớt bất ngờ - Trên hàng cây đứng tuổi”:

+ Nghĩa thực: Thu sang, sấm cũng thưa dần và không đủ sức lay động hàng cây đã bao mùa thay lá.

+ Nghĩa ẩn dụ:

  • Sấm biểu tượng cho tác động của ngoại cảnh, những biến cố trong cuộc đời.
  • Hàng cây đứng tuổi để chỉ những con người từng trải, có thể vững vàng trước những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế, những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời trước sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang thu; qua đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.

2. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ 5 chữ.

- Ngôn ngữ trong sáng, nhiều từ ngữ gợi trạng thái, cảm xúc.

- Hình ảnh giàu sức biểu cảm.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 72)

* Tham khảo gợi ý:

Mùa thu – mùa đánh thức bao cảm xúc, gọi về bao kỉ niệm thân thương đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca từ cổ chí kim. Xuân Diệu mang đến thi đàn văn học thi phẩm “Đây mùa thu tới”, Lưu Trọng Lư góp vào bản hòa ca một “Tiếng thu” độc đáo,… và Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam ghi dấu trong lòng bạn đọc bởi những cảm nhận tinh tế của mình trong khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mình từ cuối hạ sang đầu thu bằng tác phẩm “Sang thu”.

Không phải là những hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng vô cùng quen thuộc trong thi ca cổ, Hữu Thỉnh đến với mùa thu bởi một mùi hương quen thuộc, mộc mạc chốn thôn quê: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Trong sự bất giác của tâm hồn, nhà thơ như đang hân hoan tận hưởng hương vị thơm đậm nồng nàn của trái ổi chín. Theo làn gió heo may buổi đầu thu, hương ổi như sánh lại, quyện lại lan tỏa vào không gian, len lỏi vào khắp đường thôn ngõ xóm. Làn gió se mang hương ổi chín phả vào không gian cho ta cảm nhận một nét thu đẹp, dân dã và dịu ngọt ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Hình ảnh làn sương đã cho ta cảm nhận được bước đi của mùa thu, thu đã về song còn chùng chình thong thả, lưu luyến bước qua ngưỡng cửa thời gian: “Sương chùng chình qua ngõ”. Trước thu về, nhà thơ ngỡ ngàng, xao xuyến. Rõ ràng là đã nhận ra hương ổi chín phả vào không gian, đã nhận thấy sương chùng chình qua ngõ song Hữu Thỉnh vẫn chưa dám tin mùa thu đã về, ông phải thốt lên trong ngỡ ngàng xao xuyến “Hình như thu đã về”.

Khổ thơ thứ hai mang đến cho người đọc một bức tranh mùa thu trong không gian dài – rộng – cao:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Nghệ thuật đối cùng phép tu từ nhân hóa gợi hình ảnh những con sông mùa thu nước chảy lững lờ, khoan thai, êm ả ngỡ như đang muốn nghỉ ngơi sau mùa mưa lũ. Trái ngược với sông là bầy chim. Chim bắt đầu vội vã – nhân hóa – vì khi thu sang trời mau tối nên những đàn chim sẽ phải vội vã mau mau bay về tổ ấm, cũng có thể hiểu khí thu se lạnh, đàn chim phải vội vã bay về phương Nam tránh rét. Chính sự tương phản, đối lập ấy đã tạo nên một bức tranh mùa thu chân thực, cho thấy sự quan sát tinh tế của hồn thơ Hữu Thỉnh. Đặc biệt, không thể không nhắc đến hình ảnh đám mây: “Vắt nửa mình sang thu”. Qua cách miêu tả của nhà thơ, đám mây hiện lên giống như một chiếc khăn voan trải giữa bầu trời, như một nhịp cầu nối giữa hai mùa – mùa hạ và mùa thu. Bởi vậy, có thể nói hạ đã đi song chưa đi hẳn, thu đã về song còn chùng chình thong thả.

Phải đến khổ thơ thứ ba, người đọc mới thấy rõ được sự chuyển mình của bức tranh thu:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Thu sang nắng vẫn còn nhiều song đã bớt đi cái oi nồng, gay gắt của mùa hạ. Những cơn mưa cũng ít dần đi, cũng không còn những cơn mưa rào ào ạt của mùa hạ. Hình ảnh sấm thưa dần, không đủ sức lay động những hàng cây cổ thụ đã bao mùa thay lá gợi liên tưởng đến những con người từng trải, dày dạn kinh nghiệm luôn vững vàng, bản lĩnh trước những thử thách, sóng gió trong cuộc đời. Hóa ra, mùa thu không chỉ khơi gợi cảm xúc mà còn mang đến những chiêm nghiệm thật sâu sắc, thấm thía cho con người.

Ba khổ thơ, mỗi khổ thơ đều khắc họa một bức tranh mùa thu tươi đẹp. Nhưng hơn hết, bức tranh ấy được tạo nên từ tâm hồn thi sĩ nhạy cảm trước thiên nhiên của hồn thơ Hữu Thỉnh.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Sang thu do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (303)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy