ican
Soạn Văn 9
Kiều ở lầu Ngưng Bích

Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích

Ngữ Văn 9: Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích chi tiết nhất, do đội ngũ Giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn, giúp học sinh học Ngữ Văn 9 tốt hơn

Ican

KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH

- Nguyễn Du -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 95)

- Không gian trước lầu Ngưng Bích:

+ Không gian rộng lớn, mênh mông, bát ngát với “non xa”, “trăng gần” gợi sự chơ vơ, chênh vênh, trơ trọi của lầu Ngưng Bích.

+ Không gian trống trải, hoang vắng, không có dấu hiệu của sự sống với sự ngổn ngang của “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”.

- Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín.

- Cảnh thoáng đãng nhưng lầu Ngưng Bích dường như trơ trọi đã góp phần khắc họa nỗi cô đơn, lẻ loi đến cùng cực của Thúy Kiều. Cả không gian và thời gian như giam hãm con người. Một chữ “bẽ bàng” đã lột tả sâu sắc tâm trạng của Kiều: vừa chán ngán, buồn tủi cho thân phận mình; vừa xấu hổ, sượng sùng trước mây sớm, đèn khuya.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 95)

a. Trong cảnh ngộ của mình, Kiều đã nhớ tới Kim Trọng và cha mẹ. Nàng nhớ Kim Trọng trước, cha mẹ sau. Đây là một trình tự hợp lí bởi lẽ: Khi quyết định bán mình chuộc cha, Thúy Kiều đã tạm làm tròn chữ hiếu nhưng đồng thời, nàng cũng buộc phải phụ tình chàng Kim. Bởi lẽ đó, Kiều luôn cảm thấy mặc cảm có lỗi với Kim Trọng.

b. Khi Kiều nhớ Kim Trọng, Nguyễn Du đã sử dụng từ “tưởng” để gợi lên những kỉ niệm đẹp đẽ, vẫn còn tươi nguyên, sống động giữa Thúy Kiều và Kim Trọng dưới trăng đêm nào. Kiều tưởng tượng ra cảnh Kim Trọng vẫn ngày đêm trông ngóng nàng mà vẫn chưa hề hay biết cảnh ngộ hiện tại của nàng.

Khi Kiều nhớ tới cha mẹ, Nguyễn Du lại sử dụng từ “xót” để diễn tả nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ của Kiều mỗi lúc nghĩ đến cảnh tượng cha mẹ ngày đêm tựa cửa trông ngóng nàng trở về.

c. Hoàn cảnh của Kiều thật đáng buồn, bất hạnh nhưng trái tim của Kiều đầy yêu thương, nhân hậu, vị tha. Nàng thực sự là một người tình thủy chung, một người con hiếu thảo.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 96)

a. Cảnh vật ở đây là “thực” (cảnh cửa biển chiều hôm nơi Kiều đang ngồi ở lầu Ngưng Bích nhìn ra) nhưng được “khúc xạ” qua tâm trạng của Kiều nên có phần hư ảo.

- Mỗi cảnh vật góp phần làm nổi bật tâm trạng của Thúy Kiều song lại có những nét riêng: những cánh buồm thấp thoáng xa xa nơi cửa bể chiều hôm gợi lên nỗi nhớ nhà da diết; những cánh hoa trôi man mác trên dòng nước gợi nhắc đến thân phận lạc loài của nàng; rồi màu xanh xanh bất tận của nội cỏ rầu rầu gợi tương lai mù mịt, u ám; để rồi cuối cùng, nỗi buồn dội lên thành một nỗi kinh hoàng “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Tiếng sóng như một lời dự báo về kiếp người lưu lạc của Kiều.

b. Điệp ngữ “buồn trông” tạo âm điệu trầm buồn, góp phần diễn tả nỗi buồn triền miên, dai dẳng trong tâm hồn Kiều.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều.

2. Giá trị nghệ thuật

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình.

- Sử dụng điển cố, điển tích.

- Ngôn ngữ tinh tế.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 96)

* Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình: Mượn cảnh vật để bộc lộ, giãi bày tình cảm của con người.

* Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối đoạn thơ:

- Đoạn thơ có bốn cảnh, mỗi cảnh là một ẩn dụ cho một nét tâm trạng của Kiều:

+ Cảnh cửa bể chiều hôm: cánh buồm xa xa nơi cửa bể chiều hôm gợi lên trong Kiều nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhớ quê da diết.

+ Cảnh hoa trôi: nhìn cánh hoa dập dềnh trên sông nước, Kiều lại liên tưởng tới cuộc đời chìm nổi và thân phận lênh đênh vô định của mình. Cũng như cánh hoa kia, cuộc đời nàng sẽ trôi dạt về đâu, nàng không thể định hình được tương lai của mình.

+ Cảnh nội cỏ chân mây: bãi cỏ đơn điệu một màu xanh nhạt nhòa gợi liên tưởng tới cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị, bế tắc, không lối thoát của Kiều. Tương lai của nàng cũng ảm đạm, kém tươi sáng như màu xanh của nội cỏ.

+ Cảnh gió cuốn mặt duềnh: sóng và gió ầm vang nơi lầu Ngưng Bích cũng chính là ẩn dụ cho sóng gió cuộc đời đang bủa vây quanh nàng. Nghe tiếng sóng ầm vàng mà Kiều liên tưởng tới phong ba bão táp của cuộc đời đang bùa vậy lấy nàng.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 96)

HS tự học thuộc đoạn thơ.

 

Hy vọng Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 9 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (204)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy