ican
Soạn Văn 9
Kiểm tra về thơ

Soạn bài Kiểm tra về thơ

Văn 9 Soạn bài Kiểm tra về thơ: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Kiểm tra về thơ giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

KIỂM TRA VỀ THƠ

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 96)

Số TT

Tên bài thơ

Tác giả

Năm sáng tác

Thể thơ

Tóm tắt nội dung

1

Đồng chí

Chính Hữu

1948

Tự do

Tình đồng chí của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng.

2

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật

1969

Tự do

Qua hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, bài thơ khắc họa nổi bật hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn thời kì chống Mĩ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.

3

Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận

1958

Bảy chữ

Bài thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

4

Bếp lửa

Bằng Việt

1963

Tám chữ

(xen lẫn câu thơ 7 chữ và 9 chữ)

Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

5

Ánh trăng

Nguyễn Duy

1978

Năm chữ

Bài thơ như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

6

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Nguyễn Khoa Điềm

1971

Tự do (chủ yếu là những câu thơ 8 chữ)

Trong gian nan, vất vả của cuộc sống ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên.

7

Con cò

Chế Lan Viên

1962

Tự do

Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, bài thơ ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống con người.

8

Mùa xuân nho nhỏ

Thanh Hải

1980

Năm chữ

Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

9

Viếng lăng Bác

Viễn Phương

1976

8 chữ (xen lẫn những câu thơ 9 chữ và 7 chữ)

Bài thơ thể hiện niềm thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

10

Sang thu

Hữu Thỉnh

1977

Năm chữ

Bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế, những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời trước sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang thu; qua đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.

11

Nói với con

Y Phương

1980

Tự do

Bài thơ đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

 

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

* Mạch cảm xúc trong bài thơ Con cò: Bài thơ mở đầu với hình ảnh con cò đến với tuổi thơ con qua lời ru của mẹ, tiếp đến là hình ảnh con cò đồng hành với con trên đường đời. Từ đó, nhà thơ bộc lộ những suy ngẫm sâu sắc tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người.

* Mạch cảm xúc trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ: Bài thơ mở đầu bằng cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Từ đó tác giả bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của đất nước, mùa xuân của cách mạng. Tiếp đến là ước nguyện được hòa nhập và cống hiến cho đời. Bài thơ khép lại bằnglời ngợi ca đất nước tươi đẹp, thanh bình.

* Mạch cảm xúc của bài thơ Viếng lăng Bác: Vận động theo trình tự một cuộc vào lăng viếng Bác. Đầu tiên là cảm xúc của nhà thơ khi ở bên ngoài lăng. Tiếp đó là cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn dòng người vào lăng viếng Bác, cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước di hài Bác và cuối cùng là cảm xúc lưu luyến bịn rịn khi ra về.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

* Phân tích ý nghĩa biểu tượng của của hình ảnh “con cò”: Hình ảnh “con cò” biểu tượng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người.

* Phân tích ý nghĩa biểu tượng của của hình ảnh “mùa xuân”: Hình ảnh “mùa xuân” biểu tượng cho nguyện ước sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng cũng rất là khiêm nhường chỉ là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, dân tộc.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

* Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về những biến chuyển của đất trời lúc giao mùa trong bài thơ “Sang thu”:

- Trước hết, thu được cảm nhận bằng khứu giác và xúc giác qua làn gió se mang hương ổi chín phả vào không gian.

+Hương ổi: là hương thơm mộc mạc, dân dã của làng quê.

+Động từ “phả” – gợi mùi hương ổi thơm đậm nồng nàn, hương thơm như sánh lại, lan tỏa vào không gian, len lỏi vào các vườn thôn ngõ xóm.

+ Làn gió se: gió nhẹ, khô, hơi lạnh (gió heo may).

- Qua thị giác: Làn sương cũng có tâm trạng của con người, cũng chầm chậm, lưu luyến khi qua ngõ nhà.

=> Hình ảnh làn sương đã cho ta cảm nhận được bước đi của mùa thu, thu đã về song còn chùng chình thong thả, lưu luyến.

- Trước thu về, nhà thơ ngỡ ngàng, xao xuyến, cảm xúc ấy được thể hiện qua hai từ “bỗng” và “hình như”:

+ “Bỗng”: bất ngờ

+ “Hình như”: cảm giác mơ hồ, mong manh, không rõ ràng.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

* Ước nguyện chân thành và tha thiết của nhà thơ Thanh Hải được thể hiện trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” qua hai khổ thơ 4 và 5:

- Tác giả muốn làm con chim để cất tiếng hót vui cho đời, muốn làm cành hoa để tỏa sắc hương và muốn làm nốt trầm để hòa vào bản ca chung của đất nước

-Điệp từ “ta” kết hợp hình ảnh liệt kê: con chim, cành hoa, nốt trầm nhấn mạnh ước nguyện cống hiến chân thành mãnh liệt tha thiết của nhà thơ.

- Tiếp đó, tác giả nguyện làm mùa xuân “một mùa xuân nho nhỏ”. Cách nói của tác giả rất khiêm nhường chỉ dám nhận là mùa xuân nhỏ để góp vào mùa xuân lớn của đất nước dân tộc.

- Đó là sự cống hiến âm thầm bền bỉ không khoa trương “lặng lẽ dâng cho đời”.

- Đó còn là sự cống hiến không ngừng nghỉ, cống hiến suốt cuộc đời:

+ Điệp ngữ “dù là” như 1 lời thách thức thời gian, tuổi tác, bệnh tật. Nhà thơ cống hiến không ngừng cho cuộc đời từ lúc tuổi trẻ đầu xanh tới khi tuổi già tóc bạc.

+ Tuổi 20 => hoán dụ => tuổi trẻ

+ Tóc bạc => hoán dụ => tuổi già

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

- Những hình ảnh ẩn dụ (mặt trời, vầng trăng, tràng hoa) trong bài thơ “Viếng lăng Bác” đã góp phần vào thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ:

+ Hình ảnh “mặt trời trong lăng rất đỏ” là hình ảnh độc đáo nhằm ngợi ca công lao to lớn, vĩ đại của Bác Hồ dành cho đất nước; qua đó, tác giả cũng bộc lộ niềm kính yêu, biết ơn đối với Bác.

+ Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” trong khổ thơ thứ ba tượng trưng cho tâm hồn thanh cao và những vần thơ viết về trăng của Bác. Sử dụng hình ảnh này, tác giả cũng muốn ca ngợi tầm vóc lớn lao, vĩ đại sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng của Bác.

+ Hình ảnh “tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ đẹp, gợi dòng người bất tận vào lăng viếng Bác với niềm kính yêu, sự biết ơn xen kẽ nỗi xúc động, nghẹn ngào.

Câu 7 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

- Qua lời trò chuyện với con, người cha trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương đã thể hiện tình yêu sâu sắc, mãnh liệt, sự gắn bó máu thịt đối với quê hương.

- Đồng thời, nhà thơ còn bộc lộ suy nghĩ về việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương – Còn quê hương thì làm phong tục”.

Câu 8 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

- Nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh trong ba bài thơ: “Con cò”, “Mùa xuân nho nhỏ”, “Nói với con”:

+ “Con cò”: Tác giả đã vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao, trong những điệu hát ru của mẹ để ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và ý nghĩa của lời hát ru đối với cuộc sống con người.

+ “Mùa xuân nho nhỏ”: Bằng thể thơ 5 chữ mang âm điệu dân ca kết hợp với việc sáng tạo hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” kết hợp với những hình ảnh mang tính biểu tượng “con chim”, “cành hoa”, “nốt trầm xao xuyến”, nhà thơ đã bày tỏ ước nguyện được cống hiến những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất cho cuộc đời.

+ “Nói với con”: Bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, giọng điệu tha thiết, trìu mến, nhà thơ đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ngợi ca truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình.

Câu 9 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 97)

* Cảm nghĩ của em về tình yêu thương, sự che chở của lòng mẹ trong bài thơ “Con cò” (Chế Lan Viên):

a. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vấn đề cần nêu cảm nghĩ: Tình yêu thương, sự chở che của lòng mẹ.

b. Thân bài

- Từ thuở ấu thơ, khi con còn nằm trên nôi, mẹ đồng hành với con qua những lời hát ru ngọt ngào, thiết tha. Khác với con cò cô đơn, một mình kiếm ăn, con luôn được sống trong tình yêu thương, sự bao bọc, chở che của mẹ: “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn – Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”, “Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ! … Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”.

- Cánh cò của tuổi thơ trong lời ru của mẹ đã trở thành người bạn đồng hành với con người trong suốt cuộc đời, nâng đỡ con người trên mọi chặng đường: “Con ngủ yên thì cò cũng ngủ/ Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi”, “Mai khôn lớn con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”, “Con làm thi sĩ/ Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ/ Trước hiên nhà/ Và trong hơi mát câu văn…”. Hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng về lòng mẹ, luôn đồng hành, nâng đỡ con trên mọi chặng đường.

- Tình mẫu tử thiêng liêng, bền chặt, sắt son và bất diệt. Dù con có trưởng thành, khôn lớn, nhưng trong lòng mẹ, con vẫn là đứa con bé nhỏ, cần được yêu thương, chở che, bảo bọc. Một ngày mai, dù mẹ không còn trên thế gian này nữa, nhưng mẹ vẫn luôn đồng hành, dõi theo từng bước chân của con: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.

c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Kiểm tra về thơ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (499)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy