ican
Soạn Văn 9
Đồng chí

Soạn bài Đồng chí

Ngữ văn 9, soạn bài Đồng chí ngắn gọn do đội ngũ giáo viên ICAN soạn thảo giúp học sinh nắm vững kiến thức, học môn Ngữ Văn 9 dễ dàng.

Ican

ĐỒNG CHÍ

- Chính Hữu -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 130)

Dòng thứ bảy của bài thơ là một dòng thơ đặc biệt với dấu chấm cảm. Dòng thơ giống như một bản lề nối phần trước và phần sau với nhau trong kết cấu của toàn tác phẩm:

- Cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội.

- Biểu hiện của tình đồng chí, đồng đội.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 130)

Những cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội:

- Cùng chung hoàn cảnh xuất thân nghèo khó: “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”.

- Cùng chung lí tưởng yêu nước, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc: “Anh với tôi đôi người xa lạ - Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau – Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.

- Cùng chung nhiệm vụ, sát cánh bên nhau chiến đấu, vượt qua bao thiếu thốn, gian lao: “Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 130)

- Những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng:

+ Những người lính thấu hiểu nỗi lòng của nhau khi xa quê đi đánh giặc: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

+ Những người lính cùng nhau chia sẻ gian lao, thiếu thốn: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

- Những hình ảnh, chi tiết trên đã cho thấy sự gắn bó khăng khít, bền chặt của những người lính. Tình cảm ấy chính là cội nguồn sức mạnh giúp người lính vượt qua bao gian lao, vất vả.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 130)

Trong ba câu thơ cuối bài, người lính hiện lên thật oai phong và hiên ngang nơi “rừng hoang sương muối”. Gian khổ, khó khăn song tình đồng chí đã sưởi ấm tâm hồn họ: “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” thể hiện rõ cảm nhận tinh tế của người lính. Súng và trăng là gần và xa, là thực tại và mơ mộng, là chiến sĩ và thi sĩ. Bài thơ khép lại với hình ảnh liên tưởng thú vị, tạo dư âm trong lòng người đọc.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 130)

Đồng chí có nghĩa là những người có cùng chí hướng, lí tưởng. Đặt nhan đề như vậy, tác giả muốn làm nổi bật tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó của anh bộ đội cụ Hồ.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 130)

Qua bài thơ “Đồng chí”, hình ảnh người lính cụ Hồ hiện lên thật mộc mạc, giản dị như lúa như khoai. Những người lính ấy sống với lí tưởng cao đẹp, với sự yêu thương, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau để vượt lên cái khắc nghiệt, gian khổ, thiếu thốn của cuộc kháng chiến chống Pháp.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Tình đồng chí của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu được thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng.

2. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ thể hiện hình tượng người lính cách mạng và sự gắn bó keo sơn của họ qua những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 131)

Học sinh học thuộc lòng bài thơ.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 131)

Bài thơ “Đồng chí” kết lại bằng hình tượng những người đồng chí trong thời điểm thực tại, khi họ đang làm nhiệm vụ chiến đấu. Trong cảnh rừng hoang sương muối giá rét, những người lính đang đứng sát cạnh bên nhau để chờ giặc tới. Vượt lên trên cái giá rét, hoang vu của núi rừng là hơi ấm của tình đồng đội. Hai từ “cạnh”, “bên” đứng cạnh bên nhau như sự gắn bó khăng khít, keo sơn giữa những người đồng chí để tạo nên thành đồng vách sắt kiên cố, vững chãi. Từ “chờ” khắc họa tư thế chủ động đón đánh địch của quân ta. Trong những đêm phục kích chờ giặc, những người lính đã có thêm một người bạn nữa đó là vầng trăng: “Đầu súng trăng treo”. Nhịp thơ 2/2 tạo nên sự cân xứng, hài hòa cho câu thơ, gợi liên tưởng trăng như treo lơ lửng trên đầu ngọn súng. Súng và trăng là gần và xa, hiện thực và lãng mạn, chiến sĩ và thi sĩ. Câu thơ mang đến cách hiểu bất ngờ thú vị: những người lính cầm súng chiến đấu hôm nay để mang lại cái đẹp, hòa bình cho ngày mai.

Gợi ý soạn bài Đồng chí ngắn gọn do giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.

Đánh giá (469)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy