ican
Ngữ Văn 9
Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

Ngữ Văn 9: Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh chi tiết nhất, do đội ngũ Giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn, giúp học sinh học Ngữ Văn 9 tốt hơn

Ican

LUYỆN TẬP SỬ DỤNG YẾU TỐ MIÊU TẢ TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

I. CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Đề bài: Con trâu ở làng quê Việt Nam.

1. Tìm hiểu đề

- Kiểu văn bản: Thuyết minh.

- Đối tượng thuyết minh: Con trâu.

- Phạm vi thuyết minh: Con trâu ở làng quê Việt Nam.

- Với đề bài này, có thể có hai ý lớn:

+ Con trâu

+ Con trâu ở làng quê Việt Nam

2. Lập dàn ý

a. Mở bài: Giới thiệu con trâu ở làng quê Việt Nam.

b. Thân bài

- Con trâu:

+ Nguồn gốc: Cũng như nhiều loài động vật khác, trâu Việt Nam vốn có nguồn gốc từ trâu rừng được con người thuần hóa thành vật nuôi trong nhà.

+ Hình dáng, đặc điểm cơ thể: thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc; đôi sừng dài, uốn cong hình lưỡi liềm giúp trâu làm dáng và chống lại kẻ thù; da trâu dày, có lông tơ như chiếc áo choàng; tai trâu khá thính dùng để nghe ngóng những tiếng động xung quanh; trâu không có hàm răng trên (gắn với sự tích ‘Trí khôn của ta đây”).

+ Công dụng:

“Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao

Thời sống mày đã thương tao

Bây giờ mày chết cầm dao xẻo mày…

Thịt mày tao nấu linh đình

Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mày tao tiện con cờ

Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…”

- Con trâu ở làng quê Việt Nam:

+ Hình ảnh chung về con trâu ở làng quê Việt Nam: Từ bao đời nay, con trâu là hình ảnh thân quen, gần gũi với cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Hình ảnh “con trâu đi trước, cài cày theo sau” đã trở thành hình ảnh tượng cho vẻ đẹp thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam...

+ Con trâu trong một số lễ hội, đình đám: Hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên; trâu đã trở thành linh vật của Segame 22 tại Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế,…

+ Con trâu với tuổi thơ ở nông thôn Việt Nam: trâu là người bạn thân thiết với trẻ thơ Việt Nam nhiều thế hệ; trẻ nhỏ vừa chăn trâu vừa thả diều, lại có thể chơi đánh trận giả,…

+ Trâu đi vào trong văn chương, hội họa: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công”…

c. Kết bài:

- Khẳng định vai trò của con trâu trong đời sống con người.

II. LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

* Có thể tham khảo một số đoạn văn sau:

Đoạn 1: Con trâu trong một số lễ hội.

“Con trâu không chỉ gắn bó với tuổi thơ của nhiều em nhỏ mà còn gắn bó với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc ta. Tiêu biểu nhất là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Những con trâu chọi thật to, lực lưỡng, trông vô cùng dũng mãnh, nhất là đôi sừng cứ như đang chĩa vào đối phương. Người xem chọi trâu không thể quên được ấn tượng ban đầu của cuộc thi khi hai con trâu đi thong thả vào sới chọi trong tiếng vỗ tay cổ động của mọi người. Không chỉ ở Hải Phòng, mà ở Tây Nguyên, đồng bào cũng có lễ hội đâm trâu. Con trâu được lựa chọn kĩ lưỡng, phải đáp ứng tiêu chí: to khỏe, béo tốt. Các thanh niên trai tráng đi vòng quanh con trâu, dùng những mũi giáo nhọn đâm vào con trâu…”.

Đoạn 2. Hình dáng, đặc điểm con trâu.

“Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông trâu màu xám đen. Thân hình trâu vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc. Da trâu rất dày, có lông tơ như một chiếc áo choàng. Trâu có đôi sừng dài, uốn cong hình lưỡi liềm giúp trâu làm dáng và chống lại kẻ thù. Trâu có một cái đuôi dài, thường phe phẩy như một chiếc quạt để đuổi ruồi đuổi muỗi. Đặc biệt, trâu không có hàm răng trên. Chi tiết này gắn với sự tích “Trí khôn của ta đây”…”.

 

Hy vọng Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 9 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (470)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy