ican
Ngữ Văn 9
Con cò

Soạn bài Con cò

Văn 9 Soạn bài Con cò: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Con cò giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

CON CÒ

- Chế Lan Viên -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 48)

- Qua hình tượng con cò, nhà thơ muốn ngợi ca tình mẹ thiêng liêng, cao quý và ý nghĩa lời ru đối với cuộc sống con người.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 48)

- Bài thơ được chia thành 3 đoạn:

+ Đoạn I: Con cò đến với tuổi ấu thơ qua lời mẹ ru.

+ Đoạn II: Cò đồng hành cùng con trên đường đời.

+ Đoạn III: Tình mẫu tử và ý nghĩa của lời ru.

- Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò được bổ sung, biến đổi qua các đoạn thơ:

+ Hình ảnh con cò trong đoạn đầu được gợi ra từ những câu ca dao quen thuộc:

  • “Con cò bay la/ Con cò bay lả/ Con cò cổng phủ/ Con cò Đồng Đăng…” gợi cuộc sống thanh bình, yên ả của làng quê Việt tự bao đời.
  • “Con cò ăn đêm/ Con cò xa tổ/ Cò gặp cành mềm/ Cò sợ xáo măng…” gợi bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy trong cuộc mưu sinh hằng ngày của người nông dân, người phụ nữ Việt.

+ Hình ảnh con cò trong đoạn 2 đã trở thành người bạn đồng hành với con người trong suốt cuộc đời, nâng đỡ con người trên mọi chặng đường: “Con ngủ yên thì cò cũng ngủ/ Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi”, “Mai khôn lớn con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”, “Con làm thi sĩ/ Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ/ Trước hiên nhà/ Và trong hơi mát câu văn…”.

+ Đến với đoạn 3, hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ luôn đồng hành với con trong suốt cuộc đời: “Dù ở gần con … Cò mãi yêu con”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 48)

- Trong đoạn đầu, tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo những câu ca dao sau:

+ “Con cò bay lả bay la – Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”.

+ “Con cò bay lả bay la – Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng”.

+ “Con cò mày đi ăn đêm – Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao – Ông ơi ông vớt tôi nao – Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng – Có xáo thì xáo nước trong – Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”.

=> Tác giả chỉ lấy vài chữ trong mỗi câu ca dao quen thuộc đưa vào trong sáng tác của mình.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 48)

* “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”:

- Hai câu thơ đã khái quát thành một triết lý sâu sắc với mỗi người: Tình mẫu tử thiêng liêng, bền chặt, sắt son và bất diệt. Dù con có trưởng thành, khôn lớn, nhưng trong lòng mẹ, con vẫn là đứa con bé nhỏ, cần được yêu thương, chở che, bảo bọc. Một ngày mai, dù mẹ không còn trên thế gian này nữa, nhưng mẹ vẫn luôn đồng hành, dõi theo từng bước chân của con.

* “Một con cò thôi – Con cò mẹ hát – Cũng là cuộc đời – Vỗ cánh qua nôi”:

- Lời ru vừa giản dị, mộc mạc nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Lời ru ấy là đúc kết những trải nghiệm của bao thế hệ đã qua gửi gắm lại cho thế hệ mai sau, trong mỗi lời mẹ hát nuôi dưỡng tâm hồn con từ thuở còn nằm nôi.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 48)

- Thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn khác nhau thể hiện cảm xúc một cách linh hoạt, đa dạng.

- Giọng điệu êm ái, mượt mà mang âm hưởng những lời hát ru kết hợp với giọng suy ngẫm, triết lí.

- Nhịp thơ linh hoạt.

=> Tạo nên sự biến đổi trong hình tượng thơ, góp phần thể hiện tinh tế tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, bài thơ ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người.

2. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ thành công trong việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết được những suy ngẫm sâu sắc.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 48)

- Cách vận dụng lời ru trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”: sáng tạo lời hát ru của tác giả với em bé và lời ru của người mẹ với em bé để thể hiện sự thống nhất giữa tình yêu con với tình yêu quê hương, đất nước của người mẹ Tà-ôi.

- Cách vận dụng lời hát ru trong bài thơ “Con cò”: gợi lại điệu hát ru quen thuộc để ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống con người.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 49)

Đọc bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên, người đọc mãi nhớ những vần thơ mộc mạc giản dị thể hiện tấm lòng cao cả của người mẹ:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con,

Cò mãi yêu con.

Những câu thơ bốn chữ ngắn gọn, súc tích, gợi bao cảm xúc thân thương, trìu mến mà mẹ dành cho con. Bằng phép điệp cấu từ, điệp cấu trúc kết hợp với các từ trái nghĩa đã nhấn mạnh tình yêu thiết tha, mãnh liệt của mẹ dành cho con. Tình yêu ấy vượt qua khoảng cách về không gian, vượt qua bao trắc trở, gian khó ở đời. Sức mạnh của tình yêu đã phá tan mọi khoảng cách, mọi vất vả, gian lao. Sự chia cách của không gian không thể chia cắt tình mẫu tử mà càng làm cho con thấu hiểu, trân trọng tấm lòng người mẹ. Hai câu cuối theo con người đến suốt cuộc đời, thể hiện những suy ngẫm thật sâu sắc:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Dù con có trưởng thành, khôn lớn, nhưng trong lòng mẹ, con vẫn là đứa con bé nhỏ, cần được yêu thương, chở che, bảo bọc. Một ngày mai, dù mẹ không còn trên thế gian này nữa, nhưng chắc chắn, mẹ vẫn luôn đồng hành, dõi theo từng bước chân của con. Thời gian có đổi thay nhưng lòng mẹ vẫn mãi không thay đổi, bởi tình yêu mẹ dành cho con là bất diệt, mãi mãi sắt son.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Con cò do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (413)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy