ican
Ngữ Văn 9
Các thành phần biệt lập (tiếp theo)

Soạn bài Các thành phần biệt lập (tiếp theo)

Văn 9 Soạn bài Các thành phần biệt lập (tiếp theo): Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Các thành phần biệt lập (tiếp theo) giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

CÁC THÀNH PHẦN BIỆT LẬP

(Tiếp theo)

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

* THÀNH PHẦN GỌI - ĐÁP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 31)

- Từ ngữ dùng để gọi: “này”.

- Từ ngữ dùng để đáp: “thưa ông”.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 31)

Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác không tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 31)

- Từ ngữ dùng để tạo lập cuộc thoại: “này”.

- Từ ngữ dùng để duy trì cuộc thoại đang diễn ra: “thưa ông”.

* THÀNH PHẦN PHỤ CHÚ

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 32)

Nếu lược bỏ các từ ngữ in đậm, nghĩa sự việc của mỗi câu trên không thay đổi, vì các từ ngữ in đậm có vai trò bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 32)

Ở câu (a), các từ ngữ in đậm được thêm vào để chú thích cho cụm từ “đứa con gái đầu lòng của anh”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 32)

Trong câu (b), cụm chủ - vị in đậm bổ sung thông tin cho vế câu đứng trước “lão không hiểu tôi”, chú thích cho điều nhân vật tôi suy nghĩ.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Thành phần gọi – đáp

Thành phần gọi – đáp được dùng để tạo quan hệ giao tiếp hoặc duy trì quan hệ giao tiếp.

2. Thành phần phụ chú

Thành phần phụ chú được dùng để giải thích, bổ sung chi tiết cho nội dung chính được nói đến trong câu. Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy. Nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 32)

- Từ được dùng để gọi: “này”.

- Từ được dùng để đáp: “vâng”.

- Quan hệ giữa người gọi và người đáp: quan hệ trên – dưới (theo tuổi tác), thân thiết (thể hiện ở sự quan tâm của bà cụ đối với anh Dậu).

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 32)

- Thành phần gọi – đáp: “bầu ơi”.

- Đây là lời gọi hướng tới cộng đồng, chung cho tất cả mọi người.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 33)

a. Thành phần phụ chú: “kể cả anh”: bổ sung thông tin cho việc tất cả mọi người bao gồm cả anh Sáu đều nghĩ bé Thu sẽ đứng yên, không chạy lại gần để chia tay anh Sáu.

b. Thành phần phụ chú: “các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ”: bổ sung thông tin về những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa.

c. Thành phần phụ chú: “những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới”: bổ sung thêm thông tin về vai trò của lớp trẻ đối với tương lai của đất nước.

d. Thành phần phụ chú:

- “có ai ngờ”: thể hiện thái độ ngạc nhiên của tác giả với việc cô bé nhà bên vào du kích.

- “thương thương quá đi thôi”: thể hiện tình cảm thương mến của tác giả đối với cô bé nhà bên.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 33)

a. Thành phần phụ chú: “kể cả anh”: bổ sung cho cụm từ “mọi người”.

b. Thành phần phụ chú: “các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ”: bổ sung cho cụm từ “những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa này”.

c. Thành phần phụ chú: “những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới”: bổ sung cho cụm từ “lớp trẻ”.

d. Thành phần phụ chú:

- “có ai ngờ”: bổ sung cho cụm từ “cô gái nhà bên”.

- “thương thương quá đi thôi”: bổ sung cho cụm từ “mắt đen tròn”.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 33)

Cùng với toàn nhân loại, đất nước ta đang bước vào thế kỉ mới – thế kỉ hội nhập toàn cầu, thế kỉ của nền kinh tế tri thức với biết bao thời cơ và thách thức. Trong bối cảnh ấy, thanh niên – những chủ nhân tương lai của đất nước cần chuẩn bị hành trang thật tốt để có thể góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vươn lên “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Hồ Chủ tịch. Hơn bao giờ hết, thế hệ thanh niên Việt Nam cần trau dồi tri thức, mở mang tầm hiểu biết của bản thân thông qua con đường học vấn. Cần phá vỡ biên giới của nhận thức, tiếp cận với những nền văn hóa lớn. Cần đầu tư học tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác để tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu có thêm tri thức cho bản thân, góp phần lan tỏa đến xã hội con đường học vấn diệu kì. Bên cạnh đó, thanh niên Việt Nam cũng cần tự tin, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, sáng tạo để tạo nên một gương mặt mới, một diện mạo mới cho đất nước ta. Để làm được điều đó, thế hệ thanh niên cần rèn luyện sức khỏe, bởi có sức khỏe là có tất cả. Đồng thời cũng cần trau dồi đạo đức bởi “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Chỉ có những hành trang cơ bản đó, thanh niên Việt Nam mới thực sự hoàn thành được sứ mệnh quan trọng mà đất nước giao phó.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Các thành phần biệt lập (tiếp theo) do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (249)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy