ican
Ngữ Văn 9
Bến quê

Soạn bài Bến quê

Văn 9 Soạn bài Bến quê: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Bến quê giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BẾN QUÊ

- Nguyễn Minh Châu -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 107)

- Hoàn cảnh của nhân vật Nhĩ:

+ Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, vậy mà cuối đời vì căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống của anh thu hẹp lại trên chiếc giường và khung cửa sổ.

+ Phát hiện ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông nhưng không thể đặt chân lên đó, Nhĩ muốn nhờ cậu con trai thay mình thực hiện khao khát ấy. Nhưng rồi vì một ván cờ bên hè phố, cậu con trai có thể để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày.

- Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện:

+ Cuộc sống và số phận chứa đầy những điều bất thường, nằm ngoài dự định và ước muốn của con người.

+ Gửi gắm chiêm nghiệm, triết lí sâu xa ở đời: “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 107)

- Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh, qua khung cửa sổ, dưới ánh nhìn của Nhĩ, bức tranh thiên nhiên mở ra từ gần đến xa, từ mặt sông đến bầu trời: “những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt … mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn”, “con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”. Đặc biệt, Nhĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp của cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước của nhà mình.

- Nhĩ khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Bởi lẽ, đó là “một chân trời gần gũi mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đặt chân đến” và Nhĩ biết mình sắp phải từ giã cuộc đời. Đây chính là sự thức tỉnh của nhân vật về những giá trị bền vững, bình dị trong cuộc sống, nhắc nhở mỗi người hãy trân trọng những điều bình dị của cuộc đời mà vì tuổi trẻ con người hay vô tình lãng quên.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 108)

* Có thể nói ngòi bút của Nguyễn Minh Châu ở thiên truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo vì:

- Tác giả đã đặt nhân vật vào một tình huống nhận thức để giúp nhân vật Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của quê hương (với hình ảnh của bãi bồi bên kia sông) và sự sự tảo tần, tình yêu thương của người vợ lam lũ.

- Chính từ tình huống đó, nhà văn đã tập trung khắc họa khao khát cháy bỏng được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông của Nhĩ bằng việc để Nhĩ nhờ cậu con trai thay mình thực hiện khao khát ấy: “Người cha sắp từ giã cõi đời đang giấu một tâm sự bí mật gì đó trong cái vẻ lúng túng. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ một lần nữa rồi quay vào” à “Nhĩ tập trung hết sức còn lại để nói ra cái điều ham muốn cuối cùng của đời mình: - Bây giờ con sang bên kia sông hộ bố…” à “Nhĩ có vẻ ngượng nghịu vì cái điều anh sắp nói ra quá ư kì quặc – Con hãy qua đò đặt hcaan lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về…”. Trong suốt hành trình của Tuấn đến với bãi bồi bên kia sông, Nhĩ luôn theo dõi, quan sát, để rồi cuối truyện anh “cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”.

=> Nguyễn Minh Châu thực sự am hiểu tâm lí nhân vật. Thông qua dòng tâm trạng của Nhĩ, đặc biệt là hành động Nhĩ nhờ Tuấn thực hiện khao khát của mình, nhà văn như muốn cảnh tỉnh cho thế hệ kế bước trước những điều “chùng chình”, “vòng vèo” của cuộc đời để con người biết yêu thương, biết trân trọng những giá trị bền vững trong cuộc đời.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 108)

- Ở đoạn kết, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường:

+ “Mặt mũi Nhĩ đỏ rựng một cách khác thường, hai mắt long lanh chứa một nỗi say mê đầy đau khổ, cả mười đầu ngón tay Nhĩ đang bấu chặt vào cái bậu cửa sổ , những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy”.

+ Nhĩ “cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”.

=> Nhĩ muốn giục người con trai hãy mau để tránh lỡ mất chuyến đò duy nhất trong ngày. Hành động của Nhĩ còn mang ý nghĩa khái quát: thức tỉnh mỗi người vượt qua những điều “chùng chình”, “vòng vèo” trong cuộc sống để trân trọng, nâng niu những giá trị đích thức, bền vững trong cuộc sống.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 108)

- Một số hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng trong truyện: hình ảnh bãi bồi, bến sông, khung cảnh thiên nhiên trong truyện, hành động và cử chỉ của Nhĩ ở cuối truyện…

- Phân tích ý nghĩa của một số hình ảnh:

+ Hình ảnh bãi bồi, bến sông biểu tượng cho những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, thân thuộc trong đời sống.

+ Hình ảnh những bông hoa bằng lăng cuối mùa như đậm sắc hơn gợi về sự sống của Nhĩ trong những ngày tháng cuối cùng.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 108)

- Đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện: “Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò ngay trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại nó đã thấy có cái gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết”.

- Cảm nhận: Đoạn văn chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, gửi gắm qua những suy ngẫm của nhân vật Nhĩ:

+ Con người trong cuộc sống thật khó tránh khỏi “những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.

+ Những vẻ đẹp bình dị, gần gũi trong cuộc sống nhiều khi bị lãng quên, phải “từng trải” mới nhận ra được những giá trị đó.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Truyện chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh sự trân trọng giá trị của cuộc sống gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương.

2. Giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật truyện nổi bật ở sự miêu tả tâm lí tinh tế, nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách xây dựng tình huống, trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 108)

- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong đoạn đầu của truyện:

+ Miêu tả từ gần đến xa, từ mặt sông đến bầu trời: “những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt … mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn”, “con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”.

+ Hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng:

  • Hình ảnh bãi bồi, bến sông biểu tượng cho những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, thân thuộc trong đời sống.
  • Hình ảnh những bông hoa bằng lăng cuối mùa như đậm sắc hơn gợi về sự sống của Nhĩ trong những ngày tháng cuối cùng.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 109)

- Tham khảo câu số 6 trong phần soạn văn.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Bến quê do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (303)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy