ican
Giải SGK Vật lý 9
Bài 23: Từ phổ – Đường sức từ

TỪ PHỔ – ĐƯỜNG SỨC TỪ

Vật Lý 9 bài từ phổ đường sức từ: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa từ phổ đường sức từ: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BÀI 23. TỪ PHỔ – ĐƯỜNG SỨC TỪ

I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Từ phổ

  • Trong từ trường của thanh nam châm, mạt sắt được xếp thành những đường cong được nối từ cực này sang cực kia của nam châm. Càng ra xa nam châm, những đường này càng thưa dần.
  • Nơi nào mạt sắt dày thì từ trường mạnh, nơi nào mạt sắt thưa thì từ trường yếu.
  • Hình ảnh các đường mạt sắt xung quanh nam châm trên hình 23.1 được gọi là từ phổ.

  • Từ phổ cho ta một hình ảnh trực quan về từ trường.
  • Có thể thu được từ phổ bằng cách rắc mạt sắt lên tấm nhựa đặt trong từ trường và gõ nhẹ.

2. Đường sức từ

  • Các kim nam châm nối đuôi nhau dọc theo một đường sức từ. Cực Bắc của kim này nối với cực Nam của kim kia.

  • Mỗi đường sức từ có một chiều xác định. Bên ngoài nam châm, các đường sức từ có chiều đi ra từ cực Bắc, đi vào cực Nam của nam châm.
  • Nơi nào có từ trường mạnh thì đường sức từ dày, nơi nào từ trường yếu thì đường sức từ thưa.

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Xác định chiều của đường sức từ

  • Đường sức từ của thanh nam châm thẳng là những đường cong nối từ cực này sang cực kia của nam châm. Đường sức từ luôn có chiều đi vào cực Nam và đi ra từ cực Bắc của thanh nam châm.

  • Đối với Nam châm chữ U, khoảng ở giữa hai từ cực của nam châm, các đường sức từ gần như song song, có chiều đi ra từ cực Bắc và đi vào cực Nam. Khoảng bên ngoài đường sức từ thẳng là những đường cong nối từ cực này sang cực kia của nam châm.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 63 SGK Vật Lí 9):

Rắc đều một lớp mạt sắt lên tấm nhựa trong, phẳng. Đặt tấm nhựa này lên trên một thanh nam châm rồi gõ nhẹ. Quan sát hình ảnh mạt sắt vừa được tạo trên tấm nhựa (hình 23.1)

Các mạt sắt xung quanh nam châm được sắp xếp như thế nào?

Trả lời:

Các mạt sắt xung quanh nam châm được sắp xếp thành những đường cong nối từ cực này sang cực kia của nam châm. Càng ra xa nam châm, các đường này càng thưa dần

Câu C2 (trang 63 SGK Vật Lí 9):

Nhận xét về sự sắp xếp của các kim nam châm nằm dọc theo một đường sức từ (hình 23.3 SGK)

Trả lời:

Kim nam châm định hướng theo một chiều nhất định trên mỗi đường sức từ

Câu C3 (trang 64 SGK Vật Lí 9):

Đường sức từ có chiều đi vào cực nào và đi ra từ cực nào của thanh nam châm?

Trả lời:

Đường sức từ có chiều đi vào cực Nam và đi ra từ cực Bắc của thanh nam châm

Câu C4 (trang 64 SGK Vật Lí 9):

Hình 23.4 SGK cho hình ảnh từ phổ của nam châm chữ U. Dựa vào đó hãy vẽ các đường sức từ của nó. Nhận xét về dạng của các đường sức từ ở khoảng cách giữa 2 từ cực

Trả lời:

Các đường sức từ ở khoảng giữa hai từ cực của nam châm hình chữ U gần như song song với nhau.

Câu C5 (trang 64 SGK Vật Lí 9):

Biết chiều một đường sức từ của thanh nam châm thẳng như trên hình 23.5 SGK. Hãy xác định tên các từ cực của nam châm.

Trả lời:

Đầu A là cực Bắc, đầu B là cực Nam của thanh nam châm vì đường sức từ có chiều đi ra từ cực Bắc và đi vào cực Nam của thanh nam châm.

Câu C6 (trang 64 SGK Vật Lí 9):

Hình 23.6 SGK cho hình ảnh từ phổ của hai nam châm đặt gần nhau. Hãy vẽ một số đường sức từ và chỉ rõ chiều của chúng.

Trả lời:

Các đường sức từ có chiều đi từ cực Bắc của nam châm bên trái sang cực Nam của nam châm bên phải.

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 9 bài từ phổ đường sức từ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (480)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy