ican
Giải SGK Vật lý 9
Bài 21: Nam châm vĩnh cửu

NAM CHÂM VĨNH CỬU

Vật Lý 9 bài nam châm vĩnh cửu: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa nam châm vĩnh cửu: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BÀI 21. NAM CHÂM VĨNH CỬU

I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Từ tính của nam châm

  • Nam châm là những vật có tính chất từ (từ tính), chúng có thể hút các vật bằng sắt, thép và làm quay kim nam châm.
  • Các kim loại bị hút bởi nam châm gọi là các vật liệu từ.

Ví dụ: sắt, thép, niken, côban, gađôlini … và các hợp chất của chúng.

  • Các kim loại không thuộc vật liệu từ thì hầu như không bị nam châm hút.

Ví dụ: đồng, nhôm, bạc...

  • Nam châm vĩnh cửu (thường gọi tắt là nam châm) có từ tính tồn tại trong một thời gian khá dài.
  • Trong cuộc sống, nam châm vĩnh cửu được sản xuất với nhiều hình dạng khác nhau và bằng vật liệu khác nhau
  • Về hình dạng: dạng chữ U, dạng thanh, dạng trụ, dạng đĩa...

  • Về vật liệu: nam châm đen (nam châm ferrite), nam châm trắng (nam châm đất hiếm), nam châm dẻo (làm từ hợp chất của nhựa hoặc cao su với một loại bột sắt)...

  • Mỗi nam châm có hai cực từ: Cực Bắc và cực Nam.
  • Kí hiệu các cực của nam châm:

Kí hiệu theo màu sắc: Cực Nam sơn màu đỏ, cực Bắc sơn màu xanh.

Kí hiệu bằng chữ: Cực Nam viết chữ S, cực Bắc viết chữ N.

2. Tương tác giữa hai nam châm

  • Khi đưa cực từ của hai nam châm lại gần nhau thì chúng hút nhau nếu các cực khác tên (hình a), đẩy nhau nếu các cực cùng tên (hình b).

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Cách xác định hướng Bắc – Nam địa lí

Để xác định hướng Bắc – Nam địa lí, ta đặt một kim nam châm thử tại bất kì vị trí nào trên Trái Đất. Cực từ Bắc của kim nam châm chỉ về hướng Bắc địa lí. Cực từ Nam của kim nam châm chỉ về hướng Nam địa lí.

Lưu ý: Các từ cực và các cực địa lí không trùng nhau. Từ cực nằm gần cực Bắc địa lí là từ cực Nam. Từ cực nằm gần cực Nam địa lí là từ cực Bắc.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 58 SGK Vật Lí 9):

Nhớ lại kiến thức về từ tính của nam châm ở lớp 5 và lớp 7, hãy đề xuất và thực hiện một thí nghiệm để phát hiện xem một thanh kim loại có phải là nam châm hay không.

Trả lời:

Đưa thanh kim loại lại gần đống vụn sắt. Nếu thanh kim loại hút vụn sắt thì đó là nam châm.

Câu C2 (trang 58 SGK Vật Lí 9):

Đặt kim nam châm trên giá thẳng đứng như mô tả trên hình 21.1 (SGK)

  • Khi đã đứng cân bằng, kim nam châm nằm dọc theo hướng nào?
  • Xoay cho kim nam châm lệch khỏi hướng vừa xác định, buông tay. Khi đã đứng cân bằng trở lại, kim nam châm còn chỉ hướng như lúc đầu nữa không? Làm lại thí nghiệm hai lần và cho nhận xét.

Trả lời:

  • Khi đã đứng cân bằng, kim nam châm nằm dọc theo hướng Nam – Bắc.
  • Xoay cho kim nam châm lệch khỏi hướng vừa xác định, buông tay thì kim nam châm vẫn chỉ hướng như lúc đầu. Kim nam châm luôn chỉ theo một hướng nhất định.

Câu C3 (trang 59 SGK Vật Lí 9):

Đưa từ cực của hai nam châm lại gần nhau (hình 21.3 SGK). Quan sát hiện tượng, cho nhận xét.

Trả lời:

Đưa thanh nam châm lại gần kim nam châm thì quan sát thấy cực Bắc của kim nam châm bị hút về phía cực Nam của thanh nam châm.

Câu C4 (trang 59 SGK Vật Lí 9):

Đổi đầu của một trong hai nam châm rồi đưa lại gần nhau. Có hiện tượng gì xảy ra với các nam châm?

Trả lời:

Đổi đầu của một trong hai nam châm rồi đưa lại gần nhau thì thấy các cực cùng tên của hai nam châm sẽ đẩy nhau.

Câu C5 (trang 59 SGK Vật Lí 9):

Tổ Xung Chi là nhà phát minh của Trung Quốc thế kỉ V. Ông đã chế tạo ra xe chỉ nam. Đặc điểm của xe này là dù xe có chuyển động theo hướng nào thì hình nhân đặt trên xe cũng chỉ tay về hướng Nam. Bí quyết nào đã làm cho hình nhân trên xe của Tổ Xung Chi luôn chỉ hướng Nam?

Theo em, có thể giải thích thế nào hiện tượng hình nhân đặt trên xe của Tổ Xung Chi luôn chỉ hướng nam?

Trả lời:

Có thể Tổ Xung Chi đã lắp đặt trên xe một thanh nam châm.

Câu C6 (trang 59 SGK Vật Lí 9):

Người ta dùng la bàn (hình 21.4 SGK) để xác định hướng Bắc, Nam. Tìm hiểu cấu tạo của la bàn. Hãy cho biết bộ phận nào của la bàn có tác dụng chỉ hướng. Giải thích. Biết rằng mặt số của la bàn có thể quay độc lập với kim nam châm.

Trả lời:

Kim nam châm của la bàn là bộ phận chỉ hướng. Tại mọi vị trí trên Trái Đất (trừ ở hai cực) kim nam châm luôn chỉ hướng Nam – Bắc.

Câu C7 (trang 60 SGK Vật Lí 9):

Hãy xác định tên từ cực của các nam châm thường dùng trong phòng thí nghiệm (nam châm thẳng, nam châm chữ U, kim nam châm).

Trả lời:

Đầu của thanh nam châm có ghi chữ N là cực Bắc, đầu có ghi chữ S là cực Nam.

Đối với các nam châm không ghi chữ, chỉ có sơn màu thì tùy vào nhà sản xuất, thông thường cực Nam được sơn màu đỏ, cực Bắc sơn màu xanh.

Câu C8 (trang 60 SGK Vật Lí 9):

Xác định tên các từ cực của thanh nam châm trên hình 21.5 SGK.

Trả lời:

Cực có ghi chữ N là cực Bắc của thanh nam châm, đầu sát với cực Bắc của thanh nam châm bên phải hình vẽ là cực Nam.

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 9 bài nam châm vĩnh cửu do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (466)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy