ican
Ngữ Văn 7
Quan Âm Thị Kính

Soạn bài Quan Âm Thị Kính

Văn 7 Soạn bài Quan Âm Thị Kính: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Quan Âm Thị Kính giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

QUAN ÂM THỊ KÍNH

I, HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Đọc kĩ tóm tắt nội dung vở chèo Quan Âm Thị Kính.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Đọc kĩ đoạn trích Nỗi oan hoại chồng và các chú thích để hiểu văn bản và các từ ngữ khó.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Trong trích đoạn Nỗi oan hại chồng có năm nhân vật: Thị Kính, Thiện Sĩ, Sùng ông, Sùng bà, Mãng ông. Tất cả các nhân vật đều tham gia vào quá trình tạo nên xung đột kịch nhưng trong đó Thị Kính và Sùng bà là hai nhân vật chính thể hiện xung đột cơ bản của chèo.

- Sùng bà là thuộc kiểu nhân vật mụ ác đại diện cho giai cấp thống trị, thuộc tầng lớp địa chủ phong kiến.

- Thị Kính thuộc kiểu nhân vật nữ chính. Thị Kính tiêu biểu cho thân phận của người phụ nữ, những người nông dân chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

- Khung cảnh ở đầu đoạn trích là khung cảnh sinh hoạt đời thường với hình ảnh Thị Kính ngồi khâu vá và Thiện sĩ ngồi đọc sách. Khung cảnh đó gợi lên một bầu không khí thật đầm ấm, hạnh phúc của một gia đình.

- Nổi bật lên trong đó là hình ảnh của Thị Kính người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng với hàng loạt các hành động lo lắng cho chồng.

+ Khi chồng ngủ, Thị Kính đã dọn đã dọn lại kỷ vừa quạt cho chồng.

+ Cũng vì yêu chồng mà khi Thiện sĩ đã ngủ, Thị Kính chăm chú nhìn và phát hiện một chiếc râu mọc ngược với suy nghĩ rất bình thường giản dị “trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta”, Thị Kính đã qua lấy dao chém chiếc râu đó đi.

- Những suy nghĩ, lời nói và hành động của Thị Kính rất tự nhiên, thể hiện những tình cảm nồng nàn và chân thực của người phụ nữ yêu chồng.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Những hành động và ngôn ngữ của Sùng Bà đã làm với Thị Kính:

- Hành động:

+ Dúi đầu Thị Kính xuống, bắt Thị Kính phải ngửa mặt lên (hành động hạ nhục, lăng mạ người khác nhưng đây lại là hành động của một bà mẹ chồng với chính con dâu của mình).

+ Chửi mắng, vu oan cho Thị Kính, mặc cho nành hết lời thanh minh.

+ Dúi tay đẩy Thị Kính ngã khuỵu xuống đất, nhất quyết đòi gọi Mãng ông đến để trả Thị Kính về cho gia đình.

- Ngôn ngữ:

+ Này con kia! Mày có trót say hoa đắm nguyệt

Đã trên dâu dưới nguyệt hẹn hò …

Mày cứ thú với bà, bà cũng thứ đi cho.

Can chi phải dụng tình bất trắc.

Mày ngửa mật lên cho bà xem nào!”

+ “Chém bổ băm vằm xả xích mặt

Gái say trai lập trí giết chồng”

+ “Phi mặt gái trơ như mặt thớt”

→ Sùng Bà ra sức đay nghiến, mắng nhiếc, vi oan cho con dâu vì trót phải lòng người khác mà lập mưu giết chồng. Nhưng cách mắng của Sùng Bà với Thị Kính không phải cách mắng cả một người mẹ chồng với con dâu.

+ “Giống nhà bà đây giống phượng giống công.

Còn tụi bay mèo mả gà đồng lẳng lơ.”

+ “Trứng rồng lại nở ra rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu”

+ “Nhà bà đây cao môn lệch tộc

Mày là con nhà cua ốc

→ Sùng Bà nhấn mạnh đến sự chênh lệch giai cấp giữa hai gia đình, nhấn mạnh sự không môn đăng hộ đối.

Lời nói và hành động của Sùng bà chứng tỏ mụn làm một người tàn nhẫn và độc ác. Không những thế lại còn hợm hĩnh, tự coi mình là tầng lớp trên, được quyền coi thường những người khác, nhất là những người lao động. Điều đó cho thấy việc Sùng tức giận, chửi mắng Thị Kính thực tế không hẳn vì nghĩ rằng Thị Kính có ý làm hại con bà và vì sự chênh lệch đẳng cấp xã hội giữa hai gia đình.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Trước nỗi oan khuất của mình, Thị Kính đã kêu oan đến năm lần:

- Bốn lần kêu oan đầu tiên đến mẹ chồng và chồng.

+ “Giời ơi! Oan cho con lắm mẹ ơi!”

+ “Oan cho con lắm mẹ ơi!”

+ “Oan thiếp lắm chàng ơi!”

+ “Mẹ xét tình cho con, oan cho con lắm mẹ ơi!”

→ Cả bốn lần kêu oan đầu tiên của Thị Kính chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, làm cho con tức giận của Sùng bà đẩy lên cao chứ không ai buồn nghe thấu, buồn để tai đến lời kêu oan của nàng. Ngay cả với Thiện sĩ – người ngày đêm đầu gối tay ấp cũng không tin lời nàng bởi lẽ Thiện Sĩ chỉ là kẻ bạc nhược, đớn hèn, không dám lên tiếng, không hề có chính kiến của mình. Còn Sùng bà với bản chất độc ác, chua ngoa, luôn kinh miệt những người nghèo khổ thì hiển nhiên đâu có để lọt tai đến lời kêu oan của nàng.

- Lần thứ năm lời kêu oan của Thị Kính hướng tới Mãng ông: “Cha ơi! Oan cho con lắm cha ơi!”

Đến tận lần thứ năm, lời kêu oan của Thị Kính mới nhận được sự cảm thông nhưng đó chỉ là của Mãng ông một sự cảm thông nhưng chứa đựng đầy sự đau khổ và bất lực. Mãng ông rất mực tin con gái bị oan nhưng một người cha ở nơi xa xôi, một người cha chỉ là một người nông dân nghèo, không có vị thế trong xã hội. Ông tin nhưng cũng chẳng thể làm gì để giúp đỡ con gái.

Câu 7 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Trước khi đuổi Thị Kính ra khỏi nhà, Sùng bà và Sùng ông còn bày ra một màn kịch độc ác nhằm làm cho cha con Thị Kính nhục nhã, ê chề. Sùng bà và Sùng ông lấy tiếng gọi Mãng ông sang ăn cữ cháu, sang để chứng kiến con gái “đủ nữ tắc nữ công” nhưng thực chất là để sỉ nhục, để vu oan con gái giết chồng và trả con về cho ông.

Xung đột kịch đã được đẩy lên cao nhất ít nhất khi Thị Kính không những bị đẩy vào cảnh nhà tan cửa nát, hạnh phúc gia đình bị phá vỡ, bị chửi mắng, bị vu oan, hành hạ mà còn phải chứng kiến cảnh người cha già yếu bị chính bố mẹ chồng mình làm cho nhục nhã, khổ sở. Một người cha hiền lành, lương thiện bị nhục mạ, một người cha bất luch, thương con nhưng chẳng thể làm gì hơn ngoài ôm con khóc. Hình ảnh hai cha con ôm nhau khóc là hình ảnh của những người chịu oan đau khổ mà hoàn toàn bất lực. Đó là bi kịch điển hình của người nông dân nghèo nhất, đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn trong xã hội cũ.

Câu 8 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 120)

Trước khi theo Mãng ông trở về, Thị Kính đi theo cha mấy bước rồi dừng lại, quay vào nhìn từ cái trường kỷ đến sách, thúng khâu rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu dở, bóp chặt trong tay. Cử chỉ và lời hát của Thị Kính thể hiện rất nhiều ý nghĩa. Qua lời nói, Thị Kính đã diễn tả hai trạng thái trái ngược nhau được chuyển đổi rất đột ngột. Mới đây thôi còn là cảnh vợ chồng hòa hợp, đầm ấm. Nay đã là cảnh cảnh vợ chồng chia lìa. Bị đẩy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình, người phụ nữ sao tranh khỏi sự bơ vơ, lạc lõng giữa cái vô định của cuộc đời.

Việc Thị Kính giả trai đi tu càng khẳng định sự bế tắc của người nông dân trong xã hội cũ. Họ quan niệm rằng sự khổ đau là do số kiếp nên từ đó con người tìm về cửa phật để tu tâm, tích đức. Đông thời, nó cũng nêu lên một thực trạng lúc bây giờ của con người trong xã hội. Con người lúc bấy giờ chưa đủ sức, chưa đủ bản lĩnh để vượt lên trên hoàn cảnh trái lại họ chấp nhận cam chịu, coi nỗi khổ của mình như một lẽ đương nhiên. Chính điều đó làm cho tâm hồn họ càng trở nên yếu đuối, thụ động, khiến họ không giám vượt thoát, tìm con đường giải thoát cho tình cảnh ngặt nghèo của mình.

Chính vì vậy, con đường tu hành không thể giúp cho nhân vật Thị Kính thoát khỏi đau khổ trong xã hội cũ, không thể giúp con người thực sự vượt thoát ra khỏi những đau khổ, những bất công trong xã hội.

 

II, KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Giá trị nội dung

Vở chèo Quan Âm Thị Kính cũng như trích đoạn Nỗi oan hại chồng không chỉ thể hiện một cách sâu sắc xung đột giai cấp thông qua xung đột hôn nhân, xung đột gia đình trong xã hội phong kiến. Qua đó, nhân dân đã thể hiện sự cảm thông, tiếng nói bất bình những bất công trong xã hội mà người nông dân, đặc biệt là người phụ nữ phải cam chịu. Và hơn hết đó còn là tiếng nói ngợi ca cho những phẩm chất vô cùng tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Giá trị nghệ thuật

Quan Âm Thị Kính là vở chèo nổi tiếng, tiêu biểu cho sân khấu chèo truyền thống trên nhiều phương diện: tích truyện, nhân vật, xung đột, sự kịch tính, làn điệu,…

III, HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 121)

Tóm tắt ngắn gọn đoạn trích Nỗi oan hại chồng:

Giữa đêm khuya thanh vắng, Thị Kính vừa ngồi khâu quần áo vừa ngồi bên xem chồng ngồi đọc sách. Đang ngồi đọc sách, Thiện Sĩ thiu thiu ngủ. Thị Kính vừa quạt cho chồng vừa dõi mắt quan sát thấy chồng có một sợi râu mọc ngược. Thị cho là không tốt, liền lấy dao xén đi. Nào ngờ đâu, Thiện sĩ giật mình tỉnh dậy. Thấy vợ tay cầm dao kề cổ mình liền hô hoán lên khiến Sùng ông, Sùng bà tỉnh giấc. Vốn không ưa Thị Kính, Sùng bà cứ thế vu oan cho Thị Kính tội giết chồng rồi gọi mãnh ông và đến đuổi về nhà bố mẹ đẻ mặc cho Thị Kính hết lời van xin. Sau khi làm cho hai bố con phải nhục nhã, khổ sở, hai vợ chồng bỏ vào nhà để mặc hai bố con ôm nhau than khóc rồi đưa nhau về.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 121)

Trích đoạn Nỗi oan hại chồng không chỉ thể hiện một cách sâu sắc xung đột giai cấp thông qua xung đột hôn nhân, xung đột gia đình trong xã hội phong kiến. Qua đó, nhân dân đã thể hiện sự cảm thông, tiếng nói bất bình những bất công trong xã hội mà người nông dân, đặc biệt là người phụ nữ phải cam chịu. Và hơn hết đó còn là tiếng nói ngợi ca cho những phẩm chất vô cùng tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Thành ngữ “Oan Thị Kính” được sử dụng để chỉ những nỗi oan nang trái, éo le không thể thanh minh, giải thích.

 

Gợi ý Văn 7 Soạn bài Quan Âm Thị Kính do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (261)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy