ican
Ngữ Văn 6
Củng cố, mở rộng 3: Củng cố, mở rộng (trang 90)

CỦNG CỐ, MỞ RỘNG

Ican

CỦNG CỐ, MỞ RỘNG

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Bài 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 83)

Văn bản

Cô bé bán diêm

Gió lạnh đầu mùa

Thể loại

Truyện cổ tích

Truyện ngắn

Nhân vật

Cô bé bán diêm, những người qua đường, bà,...

Sơn, Lan, Hiên, mẹ Sơn, Mẹ Hiên, bà vú già, những đứa trẻ con trong xóm chợ,...

Người kể chuyện

Người kể chuyện “toàn tri”, kể theo ngôi thứ 3

Người kể chuyện “toàn tri”, kể theo ngôi thứ 3

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 83)

BÍ MẬT CỦA BÁC CẢ CORNILLE BỊ KHÁM PHÁ

(Nguyên tác: Le Secret De Maitre Cornille)

- Alphonse Daudet -

Francet Mamai, một lão thổi sáo già thỉnh thoảng vẫn đến họp đêm tại nhà tôi, một chiều nọ vừa uống rượu nấu, vừa kể cho tôi một tấn kịch con con trong làng, tấn kịch mà cối xay gió của tôi được chứng kiến cách đây độ hai mươi năm. Câu chuyện của lão làm tôi cảm động và tôi cố lập lại cho các người đúng theo những gì tôi đã nghe được.

Bạn đọc thân mến, hãy tưởng tượng trong một giây lát rằng bạn đang ngồi trước một hũ rượu thơm ngát và chính lão thổi sáo đang nói với bạn.

Xứ chúng ta, ông bạn ạ, không phải là một nơi vắng tẻ và chán ngắt như bây giờ. Trước kia việc xay bột rất là thịnh vượng trong vùng, và người trong các nông trại xa mười lăm dặm chung quanh đem lúa mì đến cho chúng tôi xay.

Bao quanh làng các ngọn đồi đều đầy cả máy xay gió. Bên phải, bên trái, người ta chỉ thấy những cánh quạt quay theo ngọn gió tây bắc, vượt cao trên các hàng thông, từng lũ lừa con chở đầy các bao lên xuống dài theo các ngã đường và suốt tuần nghe trên đồi tiếng roi vút, tiếng nghiến của tấm bố, và tiếng tắc họ của mấy người phụ xay bột mà vui thú vô cùng.

Chúa nhật, chúng tôi kéo từng đoàn đến các máy xay gió. Trên ấy, các người xay bột đãi chúng tôi rượu nho. Vợ họ đẹp như những bà hoàng với những chiếc khăn đăng ten cột ở cổ và những chiếc thánh giá vàng. Tôi thì tôi đem theo ống sáo và mọi người khiêu vũ cho đến tối đen. Ông thấy đấy, mấy máy xay gió đó là nguồn vui và thịnh vượng của xứ chúng ta.

Không may, mấy người Pháp ở Paris có ý định lập một nhà máy xay bột bằng hơi, trên con đường Trarascon. Đẹp lắm, mới lắm. Người ta đâm quen gởi lúa mì của mình đến cho chủ nhà máy hơi và tội nghiệp mấy máy xay gió không có việc làm. Trong một thời gian, chúng cố chống chỏi, nhưng máy hơi mạnh hơn, và lần lượt, thương hại, chúng bắt buộc phải đóng cửa tất….Người ta không còn thấy mấy con lừa con đến nữa….mấy bà xay bột xinh đẹp bán đi những chiếc thánh giá vàng…..Không còn rượu nho! Không còn điệu vũ Farandole (1)! Ngọn gió tây bắc có thổi mạnh, các cánh quạt vẫn im lìm….Rồi một ngày đẹp trời, làng triệt hạ tất cà những cơ sở kia và người ta trồng nho và ô liu thế vào.

Tuy vậy, giữa cơ suy tàn, một máy xay gió vẫn đứng vững và tiếp tục quay một cách can đảm trên gò cao của mình trước mắt bọn xay máy hơi. Đó là chiếc máy xay gió của lão Cornille, chiếc máy xay mà ta đang kể chuyện chiều nay.

Lão Cornille là một lão xay bột già từ sáu mươi năm sống trong nghề bột và bướng bỉnh vốn là bản tính. Việc xây cất các nhà máy xay hơi khiến cho lão gần như điên. Trong tám ngày, người ta thấy lão chạy khắp làng, hô hào mọi người quanh mình và la hét rằng người ta muốn đầu độc xứ Provence với bột của bọn nhà máy hơi.

Lão nói:

- Các người đừng đến đó. Để làm bánh mì, bọn cướp kia dùng đến hơi, một phát minh của quỷ sứ. Trong khi tôi, tôi làm việc với ngọn gió tây bắc và ngọn gió đông vốn là hơi thở của Thượng đế dịu lành….

Lão tìm được hàng tá lời lẽ đẹp đẽ như vậy để ca ngợi các máy xay gió, nhưng chẳng ai nghe lời lão cả.

Rồi điên cuồng giận dữ, lão ở lì trong máy xay và sống một mình như một con vật hung hãn. Lão không muốn giữ bên cạnh ngay cả đứa cháu gái Vivette, một đứa bé mười lăm tuổi từ khi cha mẹ chết chỉ còn có ông trên đời này….

Con bé vô phúc bắt buộc phải tìm cách sinh sống và làm mướn ở gần khắp nơi, trong các nông trại, vào mùa gặt, mùa nuôi tằm, mùa ô liu. Ấy thế mà ông cô ta có vẻ thương cô ta đáo để. Thường khi, lão đi bộ những bốn dặm đường dưới trời nắng gắt để thăm cô ta, ở nông trại cô ta làm việc, và khi ở bên cháu, lão nhìn cháu mà khóc hàng giờ….

Trong vùng, người ta cho rằng lão xay bột già xua đuổi Vivette chẳng qua vì hà tiện. Và thật không danh dự chút nào cho lão, về việc bỏ mặc đứa cháu lê la từ nông trại này sang nông trại khác, chịu đựng sự thô lỗ của bọn tôi tớ và tất cả những khốn khổ của mấy cô gái đi ở mướn. Người ta cũng thấy không đẹp chút nào về việc một người tên tuổi như lão Cornille, từ trước vẫn tự trọng bây giờ lang thang khắp ngã đường như một kẻ giang hồ chính cống, chân không, nón thủng, thắt lưng tơi tả…

Thật thì chủ nhật khi thấy lão vào dự lễ, chúng tôi, hạng già với nhau, chúng tôi xấu hổ giùm cho lão; và lão Cornille cũng có cảm giác rõ như vậy nên không dám đến ngồi trên hàng băng dành riêng cho những người trông nom nhà thờ nữa. Luôn luôn, lão ở tận cùng nhà thờ, cạnh bình nước Thánh, giữa những người nghèo.

Trong cách sống của lão Cornille có điều gì đó không được rõ ràng. Từ lâu, trong làng không ai đem lúa mì đến cho lão nữa, thế mà mấy cánh quạt chiếc máy xay của lão vẫn quay đều như trước. Buổi tối, người ta gặp lão xay bột già trên các ngã đường, vừa lùa đi trước lão con lừa chở đầy những bao bột to.

- Chào cụ Cornille ạ - mấy bác nông phu nói to – máy xay vẫn chạy đều chứ?

Lão đáp bằng giọng vui vẻ:

- Vẫn chạy đều, các con ạ, nhờ trời chúng tôi không thiếu việc làm.

Rồi nếu người ta hỏi làm quái gì mà việc đến nhiều thế, lão đặt một ngón tay lên môi và nghiêm trọng đáp:

- Ấy đừng hỏi, tôi làm để xuất cảng.

Không bao giờ người ta hỏi thêm gì được.

Về việc ghé mắt vào máy xay của lão thì đừng có hòng. Ngay con bé Vivette cũng không vào đó được…

Khi đi ngang, người ta thấy cánh cửa luôn luôn đóng, các cánh quạt to tướng luôn luôn chuyển động, con lừa già gặm cỏ trên sân thượng và một con mèo gầy to sưởi nắng trên khung cửa sổ và nhìn mọi người với vẻ hung ác.

Ngần ấy thứ có vẻ bí hiểm và làm cho mọi người nhỏ to rất nhiều. Mỗi người giải thích cái bí mật của lão Cornille theo ý kiến riêng của mình, nhưng theo phần đông thì trong máy xay gió kia có nhiều bao tiền hơn là bao bột.

Lâu sau, tuy vậy, điều bí ẩn vẫn được phác giác, như thế này đây:

Trong khi thổi sáo cho bọn trẻ khiêu vũ, một ngày đẹp trời nọ, tôi nhận thấy thằng con trai trưởng của tôi và con bé Vivette ngả ra yêu nhau. Trong thâm tâm, tôi không giận gì, vì dù sao cái tên Cornille vẫn được trọng vọng giữa chúng tôi, và cái con chim con xinh xắn Vivette mà lúp xúp trong nhà cũng làm tôi vui mắt….

Tôi muốn giải quyết câu chuyện ngay lập tức, và tôi lên đến máy xay để có vài tiếng với ông nội….Hừ, Cái lão quái ác thật! Mọi người mà thấy được cách lão tiếp tôi! Không làm sao cho lão mở cửa. Tôi cố hết sức nói rõ lý do của tôi qua lỗ khoá, và suốt lúc tôi nói, có con méo gầy quái ác kia cứ thở như quỷ trên đầu tôi.

Lão già không để cho tôi có thời giờ nói hết, và la to với tôi một cách rất vô lễ độ là tôi cứ về mà ôm ống sáo của tôi; và nếu gấp cưới vợ cho con trai, tôi chỉ việc đến tìm bọn con gái ở nhà máy xay…..Ông nghĩ, nghe những lời xấu xa kia, tôi cứ lộn gan lên, nhưng dù sao tôi vẫn đủ khôn ngoan để dằn lại, và bỏ mặc lão già điên trong cái máy xay của lão, tôi trở về cho bọn trẻ biết sự thất bại nhục nhã của mình…

Thương hại chúng quá ngây thơ, không tin như thế được. Chúng xin tôi như một đặc ân là cho hai đứa cùng lên trên máy xay để nói với ông. Tôi không đủ can đảm từ chối và a lê húp bọn si tình của tôi ra đi.

Chúng lên đến trên ấy đúng ngay vào lúc lão Cornille vừa đi khỏi. Cửa đã khoá trái, nhưng khi đi, lão để cái thang bên ngoài và bọn trẻ nảy ra ngay ý định vào trong bằng cửa sổ, để xem qua bên trong máy xay kỳ khôi đó có những gì.

Điều lạ lùng! Phòng của máy xay trống trơn….Không có một bao, không có một hột lúa; không có tí bột dính trên tường hay trên mấy tấm màng nhện…Người ta cũng không nghe được mùi thơm nóng của lúa mì nghiền nát đượm trong các máy xay….Cây cột chính phủ đầy bụi và con mèo to gầy ngủ trên ấy.

Căn dưới cũng cùng một vẻ nghèo nàn và hoang vắng: một cái giường tồi tàn, vải giẻ rách, một mẩu bánh mì trên nấc thang gác, và trong một góc ba bốn bao đã xé tét, từ trong ấy đổ ra nhưng vôi hồ vụn và đất trắng.

Đó là bí mật của lão Cornille! Chính những vôi hồ vụn đó đã được lão đưa đi trên các ngã đường buổi tối, để cứu vãn danh dự máy xay và làm cho người ta tin rằng lão vẫn xay bột trong ấy….Thương hại máy xay! Thương hại lão Cornille! Từ lâu, các người nhà máy xay hơi đã cướp mất của họ mối hàng cuối cùng. Các cánh vẫn cứ quay, nhưng máy xay trống rỗng.

Bọn trẻ ứa nước mắt trở về kể tôi nghe những gì chúng đã thấy. Nghe chúng mà tim tôi se thắt….Không mất một phút, tôi chạy đến những người láng giềng, vắn tắt thuật câu chuyện cho họ và chúng tôi đồng ý phải lập tức đem đến máy xay của lão Cornille tất cả những lúa mì thứ tốt nhất có trong nhà….Nói rồi là làm ngay. Cả làng lên đường và chúng tôi lên đến trên ấy với một đoàn lừa chở đầy lúa mì, thứ lúa mì thật.

Máy xay đang mở rộng. Trước cửa, lão Cornille ngồi trên một bao vôi vụn khóc tấm tức, hai tay ôm đầu. Về nhà, lão vừa nhận thấy trong lúc lão đi vắng, người ta đã vào nhà lão và thấu rõ điều bí mật đáng buồn của lão.

Lão nói:

- Khổ cho tôi chửa! Bây giờ tôi chỉ có chết. Danh dự máy xay đã ô uế rồi.

Và lão nức nở nghe đến não ruột. Lão gọi máy xay bằng tất cả các loại tên, nói với nó như một người thật.

Ngay lúc ấy, đoàn lừa đến trên nóc nhà bằng và tất cả chúng tôi kêu thật to lên như những ngày tốt đẹp nào của những người xay bột.

- Ới, máy xay. Ới, lão Cornille!

Và thế rồi mấy cái bao chất đống trước cửa, và hạt lúa hung đẹp rải trên mặt đất, khắp tứ phía.

Lão Cornille giương to mắt. Lão bốc lúa trong lòng bàn tay già của mình. Lão nói, cười khóc chen lẫn.

- Lúa đây mà, Chúa ơi. Lúa chính cống, để đó tôi, để tôi nhìn nó.

Rồi quay về chúng tôi:

- Tôi biết rõ thế nào các người cũng trở lại với tôi…Bọn máy xay kia đều là những thằng ăn cắp.

Chúng tôi muốn công kênh lão về làng:

- Không, không, các con ạ. Trước tiên tao phải đi cho máy xay của tao ăn đã. Các con thử nghĩ, lâu quá rồi nó có gì dính răng đâu.

Và chúng tôi rưng rưng nước mắt nhìn lão già đáng thương quay bên tả, xoay bên hữu. Xẻ mấy bao, trông chừng máy xay trong khi hạt lúa nát nghiến và bụi lúa nhuyễn bay vờn lên trên trần.

Phải nhìn nhận là nhờ chúng tôi. Từ ngày ấy, chúng tôi không bao giờ để cho lão xay bột già phải thiếu việc. Rồi một sáng, lão Cornille chết, và mấy cánh quạt chiếc máy xay gió cuối cùng của chúng ngưng quay. Cornille chết rồi, không ai kế nghiệp. Biết sao bây giờ, thưa ông. Tất cả đều có lúc chấm dứt trên đời này, và cần phải tin rằng thời kỳ của máy xay gió đã qua như thời kỳ xe nước trên sông Rhône, viện đại biểu hàng tỉnh và những chiếc quần hoa to.

Chú thích:

1. Một điệu nhảy miền Provence, nhảy theo tiếng trống và người nhảy nắm lấy tay nhau.

(Nguồn: A Daudet, Những vì sao, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2006, tr. 18-26)

Hướng dẫn trả lời câu hỏi

a. Người kể chuyện: xưng “tôi” (ngôi thứ nhất) kể lại câu chuyện mà lão già thổi sáo Francet Mamai kể lại cho “tôi” nghe. Trong câu chuyện đó, lão già thổi sáo kể theo ngôi thứ nhất, xưng là “chúng tôi” - nhân danh những người dân của làng.

b. Tóm tắt cốt truyện:

Câu chuyện về bác cả Cornille được ông già thổi sáo Francet Mamai kể bắt đầu bằng sự ngợi ca nghề xay bột phát đạt của làng “những cối xay gió đã đem lại niềm vui và sự giàu có cho quê hương chúng tôi đấy”. Nhưng rồi khi một số người Pháp ở Paris cho xây dựng máy xay chạy bằng hơi nước trên đường Tarascon. Những người nông dân mang lúa của mình đến nhà máy và những chiếc cối xay dần dần bị quên lãng. Đời sống của những ông chủ cối xay bột cũng không còn vui vẻ và giàu có như xưa. Những cối xay gió dần đóng cửa. Duy chỉ còn chiếc cối xay của bác Cornille vẫn đứng vững, cánh quạt vẫn hiên ngang quay trên mỏm đồi, con lừa của bác vẫn chiều chiều thồ những bao bột nặng lớn trên đường. Tuy vậy, cháu gái duy nhất của bác – cái Vivette – một đưa trẻ 15 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ còn biết có ông mình trên đời, bác cũng chẳng giữ nó lại, buộc phải đi làm thuê kiếm sống ở các trang trại. Mọi người cho rằng bác đuổi con bé đi vì bác keo kiệt. Bác ẩn mình vào chiếc cối xay và sống đơn độc như một con thú rừng. Những cánh quạt lớn ở chiếc cối xay của bác vẫn quay đều nhưng cửa thì lúc nào cũng cài then. Không ai biết ở bên trong có gì. Bí mật ấy được khám phá bởi chính Vivette, cháu gái của bác, và người yêu của cô bé – con trai của người thổi sáo Francet Mamai trèo tường vào chiếc cối xay xin ông mình cho chúng được tìm hiểu nhau. Thì ra, chiếc cối xay trống rỗng, cánh quạt vẫn quay đều còn chiếc cối thì chạy không. Những cái bao bột mà hằng ngày con lừa của bác vẫn thồ trên đường để cứu vớt thanh danh của chiếc cối xay gió chỉ là những bao đựng thạch cao và đất trắng. Nghe được bí mật ấy, ông già thổi sáo Francet Mamai đã kể cho mọi người và bảo họ có bao nhiêu lúa trong nhà thì hãy thồ đến chiếc cối xay của bác Cornille. Khi biết bí mật của mình đã bị khám phá, bác Cornille nhục nhã, khóc lóc thảm thiết. Nhưng vừa lúc ấy, những bao lúa được mọi người kéo đến, bác hạnh phúc, vui sướng, bắt tay ngay vào công việc. Một thời gian sau, bác Cornille qua đời, không ai tiếp tục nghề của bác, cánh quạt của chiếc cối xay cuối cùng ngừng quay.

c. Phân tích đặc điểm nổi bật của nhân vật bác Cornille

- Bác Cornille là người nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh

Khi thất nghiệp, cực chẳng đã, bác Cornille ẩn mình vào chiếc cối xay và “sống đơn độc như một con thú rừng”. Trên hành trình bảo vệ danh dự cho chiếc cối xay gió, ông lão xay bột đơn độc một mình, không ai sẻ chia. Đời sống khốn khó đến mức bác phải để đứa cháu gái duy nhất của mình, Vivette, phải tự đi kiếm sống, làm thuê gánh mướn ở các trang trại lúc ngày mùa hái dâu hoặc thu hoạch olive. Từ một con người được trọng vọng, bác trở nên như một “kẻ du đãng”, cách bác ăn mặc, đi đứng khiến cho những người khác đều ngượng thay cho bác. Không ai hiểu được cho hoàn cảnh bất hạnh và tấm lòng trọng danh dự của bác.

- Bác Cornille là người giàu tình yêu thương và niềm tin vào tương lai

Bác cả Cornille tình yêu cháu gái. Cực chẳng đã, do hoàn cảnh khó khăn, bác buộc phải để cho Vivette tự đi kiếm sống. Tuy nhiên, bác vẫn rất yêu thương cháu gái của mình. “Đôi khi, bác cuốc bộ suốt bốn dặm đường dưới trời nắng chang chang để đến thăm cháu đang làm thuê ở một trang trại và mỗi lần gặp cháu, bác lại nhìn cháu mà khóc hàng mấy giờ liền.”

Ông lão xay bột tội nghiệp ấy còn có tình yêu nghề rất lớn. Lão dành tình yêu rất lớn cho chiếc cối xay gió của mình, sẵn sàng tử vì nghề. Chính vì tình yêu đó mà bác dũng cảm, mạnh mẽ một mình đứng lên bảo vệ danh dự cho chiếc cối xay gió. Danh dự của chiếc cối cũng là danh dự của chính bác. Khi bí mật của bác bị mọi người phát hiện, bác “khóc thảm thiết, gọi chiếc cối xay bằng đủ thứ tên, nói với nó như với một con người có thật”.

Nhận thức rõ hoàn cảnh cơ của mình, dù là một người được trọng vọng xưa nay, nhưng khi đến nhà thờ vào mỗi chủ nhật, bác không ngồi vào hàng ghế dành cho giáo chức mà đứng lẫn với đám người nghèo tận cuối lễ đường kề bên chỗ để nước thánh. Bác cả Cornille trong hoàn cảnh nghèo khổ, bất hạnh giữ vững cho mình một niềm tin, đó là một là một ngày nào đó, “thế nào rồi bà con cũng trở lại đây với bác.”

II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

Truyện

  • Truyện là loại tác phẩm văn học kể lại một câu chuyện, có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn ra các sự việc.

Cốt truyện

  • Cốt truyện là yếu tố quan trọng của truyện kể, gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định; có mở đầu, diễn biến và kết thúc.

Nhân vật

  • Nhân vật là đối tượng có hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, cảm xúc, suy nghĩ,... được nhà văn khắc họa trong tác phẩm.
  • Nhân vật thường là con người nhưng cũng có thể là thần tiên, ma quỷ, con vật, đồ vật,...

Người kể chuyện

  • Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi" (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình” (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.

Lời người kể chuyện và lời nhân vật

  • Lời người kể chuyện đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy.
  • Lời nhân vật là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện.

 

 

Đánh giá (302)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy