ican
Ngữ Văn 6
Đọc - Thực hành 3: Thực hành tiếng Việt (trang 48)

03. THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Ican

03. THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43, 44)

a. Theo từ điển tiếng Việt, nhô là một động từ có nghĩa là đưa phần đầu cho vượt hẳn lên phía trên hoặc ra phía trước, so với những cái xung quanh.

b. Trong đoạn thơ trên, từ lên không thể thay thế cho từ nhô. Vì từ lên chỉ có nghĩa là chuyển đến một vị trí cao hơn. Còn từ nhô có ý nghĩa tinh tế hơn. “Mặt trời nhô cao” nghĩa là mặt trời chuyển động lên cao trên bầu trời và có phần đột ngột, vượt lên so với sự vật xung quanh như núi non, cây cối. Động từ nhô cũng có tính biểu cảm, gợi lên vẻ tinh nghịch, đáng yêu của hình ảnh mặt trời, phù hợp với cách nhìn, cách cảm của trẻ thơ.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 44)

- Những từ trong văn bản: màu sắc, khao khát, thơ ngây, mênh mông,…

- Những từ ngoài văn bản: quần áo, thầy cô, cha mẹ, bạn bè, yêu dấu, yêu thương, yêu mến,…

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 44)

- Các hình ảnh so sánh trong khổ 2 của bài thơ:

​​Cây cao bằng gang tay,

Lá cỏ bằng sợi tóc,

Cái hoa bằng cái cúc,

Tiếng hót trong bằng nước,

Tiếng hót cao bằng mây.

+ Hình ảnh thiên nhiên - cây, lá cỏ, cái hoa (vế A) được so sánh với gang tay, sợi tóc, cái cúc (vế B) - những hình ảnh nhỏ xinh, gắn với thế giới con người.

+ Âm thanh tiếng hót của chim (vế A) được so sánh với nước, mây trời (vế B) giúp người đọc cảm nhận được một cách cụ thể sự trong trẻo và cao vút của tiếng chim.

- Tác dụng: giúp thiên nhiên như nhỏ lại, gần gũi và thật dễ thương trong đôi mắt trẻ thơ.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 44)

- Biện pháp tu từ nhân hoá: Nhà thơ dùng từ thơ ngây - là từ thường vốn để chỉ đặc điểm của con người, đặc biệt là trẻ em - để nói về gió.

- Tác dụng: Khiến làn gió mang vẻ đáng yêu, hồn nhiên của trẻ thơ, gần gũi với con người hơn.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 44)

- Điệp ngữ trong đoạn thơ: “rất”, “Từ cái…”, “Từ…”

- Mục đích:

+ “rất”: Nhấn mạnh mức độ tính chất của các sự vật có trong lời ru của mẹ.

+ “Từ cái…”, “Từ…”: Nhằm mục đích liệt kê những hình ảnh phong phú trong lời ru của mẹ, nhấn mạnh vẻ đẹp của những hình ảnh ấy.

→ Lời mẹ ru kết tinh những giá trị cao quý nhất trong kho tàng văn hoá dân tộc. Thấm đượm trong mỗi lời mẹ ru là những tình cảm thiết tha, là trí tuệ, tâm hồn người Việt. Vì vậy, nó đã trở thành nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Từ đồng nghĩa

- Khái niệm: Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống, hoặc gần giống nhau.

- Phân loại:

+ Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, được dùng như nhau và có thể thay đổi cho nhau trong lời nói.

Ví dụ: mẹ - má, bố - ba - cha,...

+ Từ đồng nghĩa không hoàn toàn: Là các từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn khác nhau phần nào sắc thái biểu cảm (biểu thị cảm xúc, thái độ) hoặc cách thức hành động. Khi dùng những từ ngữ này, ta phải cân nhắc lựa chọn cho phù hợp.

Ví dụ: chết - hi sinh (hi sinh mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng hơn).

2. So sánh

- Khái niệm: So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:

+ Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh)

+ Vế B (Nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A)

+ Từ ngữ chỉ phương diện so sánh

+ Từ ngữ chỉ ý so sánh

- Có hai loại so sánh: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

3. Nhân hoá

- Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,... trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

- Có ba kiểu nhân hóa thường gặp:

+ Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật

+ Dùng những từ vốn chỉ hoạt động , tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật

+ Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

4. Điệp ngữ

- Điệp ngữ là một biện pháp lặp lại từ ngữ hay cả một câu văn để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.

- Điệp ngữ có 3 dạng:

+ Điệp ngữ nối tiếp: là các từ ngữ được điệp liên tiếp nhau, tạo ấn tượng mới mẻ, có tính chất tăng tiến.

+ Điệp ngữ cách quãng

+ Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng)

 

 

Đánh giá (203)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy