ican
Giải SGK Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống
Đọc - Văn bản 1: Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí)

02. Văn bản 1: Bài học đường đời đầu tiên

Ican

02. Văn bản 1: Bài học đường đời đầu tiên

(Trích Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài)

I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU KHI ĐỌC

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật chính: Dế Mèn.

- Ngôi kể: Ngôi thứ nhất.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới tác đặc điểm của con người:

+ Ngoại hình: Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng đôi càng mẫm bóng, vuốt cứng, nhọn hoắt, cánh dài, răng đen nhánh, râu dài uốn cong, hùng dũng....

+ Hành động: đạp phanh phách, vũ lên phành phạch, nhai ngoàm ngoạp, trịnh trọng vuốt râu, cà khịa với tất cả mọi người, quát mấy chị Cào Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó...

+ Thái độ, tính cách ngạo mạn: Tôi tợn lắm; Tôi cho là tôi giỏi; lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba, càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi.

+ Ngôn ngữ: Gọi Dế Choắt là “chú mày”, xưng “anh”. Gọi chị Cốc là “mày” xưng “tao”.

→ Dế Mèn thể hiện nhiều đặc điểm giống như con người: tự tin, biết chăm sóc bản thân, có ý thức ăn uống điều độ cho cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng nhưng kiêu ngạo, hiếu thắng, khinh thường hay bắt nạt người khác.

- Lối miêu tả thường được sử dụng ở loại truyện đồng thoại.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Em thích những chi tiết Dế Mèn tự miêu tả ngoại hình của chú. Vì đây đều là những chi tiết cho thấy Dế Mèn là một chú dế siêng tập luyện, có ý thức rèn luyện sức khoẻ và rất tự tin, ý thức được vẻ đẹp của bản thân.

- Em không thích những chi tiết Dế Mèn tự kể lại những hành động bắt nạt người khác và đánh giá về bản thân mình. Vì những chi tiết này cho thấy chú rất kiêu căng tự phụ, xem thường mọi người, hung hăng hống hách, xốc nổi. Đây đều là những tính cách, thái độ sống không đẹp.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Dế Mèn sang thăm nhà Dế Choắt và khi Dế Choắt nhờ sự giúp đỡ đã nói:

+ Khi sang thăm nhà Dế Choắt: Chê bai nhà cửa và lối sống của Dế Choắt.

+ Khi Dế Choắt nhờ sự giúp đỡ: Từ chối lời đề nghị cần giúp đỡ của Choắt.

- ​​Những lời nói đó thể hiện thái độ chê bai, coi thường Dế Choắt, thái độ sống không chan hòa; ích kỉ, hẹp hòi; vô tình, thờ ơ, không rung động, lạnh lùng trước hoàn cảnh khốn khó của đồng loại của Dế Mèn.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Chứng kiến cái chết ở Dế Choắt, Dế Mèn đã rất nhiều những cảm xúc, suy nghĩ.

+ Khi Dế choắt bị Cốc mổ thì nằm im thin thít, khi Cốc bay đi rồi mới dám mon men bò ra khỏi hang. Từ một kẻ hung hăng, hống hách, tự coi mình là “tài ba”, tự cho mình là “hùng dũng”, Dế Mèn trở thành một kẻ hèn nhát tham sống sợ chết, bỏ mặc bạn bè.

+ Khi thấy Dế Choắt nằm thoi thóp: Dế Mèn “hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên” và hối hận về những hành động ngông cuồng dại dột của mình.

+ Khi Dế Choắt tắt thở: Dế Mèn “vừa thương vừa ăn năn tội lỗi” rồi đem xác Dế Choắt chôn vào bụi cỏ um tùm và đứng lặng giờ lâu.

- Sự thay đổi ở nhân vật Dế Mèn: Từ một kẻ kiêu ngạo, hống hách, coi thường người khác, khi chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã biết ăn năn, hối hận về hành động về hành động của mình. Từ một kẻ sống thờ ơ, vô tâm, Dế Mèn đã có tình cảm đồng loại, biết “thương”, biết hối hận, biết hướng thiện.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Bài học về thái độ sống, về cách ứng xử trong cuộc sống:

+ Không được kiêu căng, coi thường người khác, phải sống khiêm tốn, biết tôn trọng người khác.

+ Phải biết suy nghĩ trước khi hành động để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

- Bài học về tình thân ái, chan hòa: Phải sống chan hoà, yêu thương mọi người, biết giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 19)

- Nhân vật Dế Choắt qua sự giới thiệu của người kể chuyện (nhân vật Dế Mèn):

+ Tuổi: Chạc tuổi Dế Mèn

+ Ngoại hình: người gầy gò, dài lêu nghêu như gã nghiện thuốc phiện, cánh ngắn ngủn, râu một mẩu, mặt mũi ngẩn ngơ.

+ Cách sinh hoạt: luộm thuộm, hôi như cú mèo.

+ Tính cách: có lớn mà không có khôn.

+ Ngôn ngữ: Cách xưng hô với Dế Mèn: Lúc đầu: gọi “anh” xưng “em”.

→ Dế Choắt qua cái nhìn của Dế Mèn là một thanh niên yếu ớt, xấu xí, lười nhác, đáng khinh.

- Nhân vật Dế Choắt qua hình dung của em: sức khoẻ yếu, hình thể có khiếm khuyết, tính cách nhút nhát, yếu đuối, đáng thương.

- Nếu em có một người bạn có đặc điểm giống với Dế Choắt, em sẽ đối xử với bạn bình thường như những bạn khác, quan tâm bạn hơn, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn,...

II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Một số đặc điểm của truyện đồng thoại

- Truyện đồng thoại là thể loại truyện viết cho trẻ em, với nhân vật chính thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân hoá. Thế giới trong truyện đồng thoại được tạo dựng không theo quy luật tả thực mà giàu chất tưởng tượng. Các tác giả truyện đồng thoại sử dụng “tiếng chim lời thú” ngộ nghĩnh để nói chuyện con người nên rất thú vị và phù hợp với tâm lí trẻ thơ.

- Nhân vật đồng thoại vừa được miêu tả với những đặc tính riêng, vốn có của loài vật, đồ vật vừa mang những đặc điểm tính cách của con người. Vì vậy, truyện đồng thoại rất gần gũi với truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và có giá trị giáo dục sâu sắc. Nguồn chất liệu rộng mở (từ các loài cỏ cây, loài vật, loài người đến đủ loại đổ vật vô trị -- cây cầu, đoàn tàu, cánh cửa, cái kim sợi chỉ,...) khiến nhân vật đồng thoại rất phong phú, đa dạng. Sự kết hợp giữa hiện thực và tưởng tượng, ngôn ngữ và hình ảnh sinh động mang lại sức hấp dẫn riêng cho truyện đồng thoại. Thủ pháp nhân hoá và phóng đại cũng được coi là những hình thức nghệ thuật đặc thù của thể loại này.

2. Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên (Trích Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài)

2.1. Nội dung

Miêu tả vẻ đẹp của Dế Mèn cường tráng nhưng tính cách còn kiêu căng, xốc nổi. Chính tính cách này đã gây ra cái chết của Dế Choắt. Sau khi gây ra cái chết cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Đó là bài học về thái độ sống khiêm tốn, lễ độ, tôn trọng người khác; về cách ứng xử, lối sống thân ái, chan hòa, yêu thương giúp đỡ bạn bè; đó còn là bài học về sự tự chủ, biết ăn năn hối lỗi khi sai lầm.

2. 2. Nghệ thuật

- Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, theo lời của nhân vật Dế Mèn.

- Miêu tả loài vật sinh động, nghệ thuật nhân hoá đặc sắc, ngôn ngữ miêu tả chính xác, lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Xây dựng hình tượng nhân vật gần gũi với trẻ thơ.

III. GỢI Ý PHẦN VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 166)

Học sinh lựa chọn một sự việc trong câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên và kể lại bằng lời của một nhân vật (có thể là nhân vật Dế Mèn, Dế Choắt hoặc chị Cốc).

Ngôi kể: ngôi thứ nhất. Ngôi kể phải phù hợp với sự việc và nhân vật được lựa chọn, thể hiện đúng cách nhìn và giọng kể của người kể chuyện, đảm bảo tính chính xác của các sự kiện.

Gợi ý: HS có thể lựa chọn một trong các sự việc sau: Dế Mèn sang thăm nhà Dế Choắt; Dế Choắt sang nhờ Dế Mèn giúp đỡ; Dế Mèn trêu chị Cốc; Dế Choắt bị chị Cốc mổ; Dế Choắt chết.

Một hôm, khi nhìn thấy chị Cốc bỗng tôi nghĩ ra một trò nghịch dại và rủ Choắt chơi cùng. Nhưng nghe nhắc đến chị Cốc thì Choắt lại hoảng sợ xin thôi, đã thế còn khuyên tôi đừng trêu vào, phải biết sợ. Nghe thật tức cái tai. Tôi nào đâu biết sợ ai. Tức mình, tôi quay lại cất tiếng trêu chị Cốc, chứng minh cho Choắt thấy sự dũng cảm của mình. Nhưng chị Cốc không phải hiền lành. Nghe tiếng trêu, chị ta trợn tròn mắt, giương cánh lên, như sắp đánh nhau. Lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi nên vội chui tọt vào hang, lên giường nằm khểnh. Lúc bấy giờ, tôi không hề nghĩ đến anh bạn Dế Choắt tội nghiệp và cũng không thể tưởng tượng được chuyện sắp xảy ra. Lúc chị Cốc đi rồi, tôi bò ra khỏi hang và thấy anh bạn Dế Choắt đã bị chị Cốc mổ bị thương rất nặng, chỉ còn nằm thoi thóp.

Đánh giá (352)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy