ican
Giải SGK Văn 6 Chân trời sáng tạo
Nói và nghe 2: Kể lại một truyện cổ tích

NÓI VÀ NGHE KỂ LẠI MỘT TRUYỆN CỔ TÍCH

Ican

NÓI VÀ NGHE

KỂ LẠI MỘT TRUYỆN CỔ TÍCH

1. Chuẩn bị

* Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói

- Đề tài: kể lại truyện cổ tích.

- Để xác định không gian và thời gian nói, em hãy trả lời câu hỏi: Em dự định sẽ nói ở đâu và trong thời gian bao lâu?

* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Ý tưởng cho bài nói chính là truyện cổ tích mà em đã kể lại bằng bài viết ở trên. Em có thể sử dụng hình ảnh, tranh vẽ để bài nói thêm sinh động.

- Em hãy lập dàn ý của bài nói được lập dựa trên dàn ý của bài viết.

* Bước 3: Luyện tập và trình bày

- Em hãy đứng trước gương để tập kể lại câu chuyện.

- Chú ý sử dụng giọng điệu (cao, thấp, to, nhỏ, nhanh, chậm,...) phù hợp khi kể về các nhân vật, sự việc khác nhau. Kết hợp lời kể với cử chỉ, nét mặt, điệu bộ để nội dung được kể hấp dẫn hơn.

- Khi trình bày, em nên tóm tắt ngắn gọn nội dung nói dưới dạng từ, cụm từ và sắp xếp các nội dung ấy theo thứ tự, đồng thời lựa chọn những từ ngữ thích hợp với ngôn ngữ nói, tránh dùng ngôn ngữ viết hoặc đọc lại bài viết.

* Bước 4: Trao đổi, đánh giá

- Trong vai trò người nghe và người kể chuyện, hãy dùng bảng kiểm dưới đây để góp ý cho bạn và tự đánh giá bài kể của mình.

Bảng kiểm bài nói kể lại một truyện cổ tích

Nội dung kiểm tra

Đạt/ chưa đạt

Bài nói đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. 
Người kể trình bày chi tiết các sự việc xảy ra. 
Các sự việc được kể theo trình tự thời gian. 
Các hành động của nhân vật được kể đầy đủ. 
Người kể dùng ngôi thứ ba để kể lại câu chuyện. 
Người kể sử dụng các yếu tố kì ảo đã xuất hiện trong truyện cổ tích. 
Người kể thể hiện cảm xúc phù hợp với nội dung được kể. 
Người kể tự tin, cử chỉ, điệu bộ hợp lí. 
Người kể sử dụng từ ngữ thích hợp với ngôn ngữ nói khi kể. 

2. Thực hành

Kể lại truyện cổ tích “Non-bu và Heng-bu”.

Tham khảo gợi ý:

Chắc hẳn ai cũng mong muốn có một chiếc vé trở về với tuổi thơ, về với những tháng ngày bình yên, vui chơi bên lũ bạn, về với những câu chuyện cổ tích được bà, được mẹ kể cho nghe mỗi tối. Bằng giọng kể ngọt ngào, du dương và tình yêu thương chất chứa, bà và mẹ đã gửi gắm qua mỗi câu chuyện biết bao học sâu sắc theo mỗi chúng ta đến suốt cuộc đời. Với riêng em, câu chuyện “Non-bu và Heng-bu” đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm.

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ ở Hàn Quốc, có hai anh em tên là Non-bu và Heng-bu. Người anh tên là Non-bu rất tham lam, xấu tính. Người em tên là Heng-bu rất tốt bụng, hiền lành.

Cha mất, người anh chiếm đoạt hết tài sản, chẳng chia cho Heng-bu thứ gì. Song Heng-bu vẫn không một lời trách cứ, oán giận. Heng-bu chăm chỉ, siêng năng làm lụng sống qua ngày. Mỗi lần trông thấy những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, Heng-bu thường tìm cách giúp đỡ, không hề toan tính.

Năm nọ, lũ lụt dâng cao, mùa màng thất bát, cuộc sống quá khó khăn, Heng-bu tìm đến nhà người anh nhờ giúp đỡ. Trông thấy em mình như vậy, Non-bu không những không giúp đỡ mà còn đuổi đi bằng những lời nói chứa đựng sự giận dữ:

- Không có, không có đâu. Đi đi!

Mặc dù người anh đối xử không tốt nhưng Heng-bu vẫn không oán trách, một mình lê bước về nhà.

Thế rồi, mùa đông lạnh lẽo qua đi, mùa xuân ấm áp đã đến. Có đôi chim nhạn đến làm tổ dưới mái nhà Heng-bu. Chúng đẻ trứng và nuôi nấng chim con. Một hôm, khi Heng-bu đang chuẩn bị ra đồng làm việc thì trông thấy một con trăn đang tiến lại gần tổ chim nhạn định bắt chim non ăn thịt. Với bản chất lương thiện, Heng-bu tìm cách đuổi trăn đi. Nhưng một con nhạn non bị rơi xuống đất, chân gãy. Hai vợ chồng Heng-bu lại tận tình bôi thuốc, băng bó vết thương cho nhạn non để chim mau lành. Chẳng bấy lâu, chân của chim nhạn con đã lành. Mùa thu đến, gia đình nhạn từ biệt gia đình Heng-bu. Trước khi bay về phương Nam, chúng còn chao liệng một vòng quanh sân thay lời chào tạm biệt.

Một mùa xuân ấm áp lại đến. Con chim nhạn non ngày nào đã có thể một mình bay trở về nhà của Heng-bu. Nó trao cho Heng-bu hạt giống của cây bầu. Heng-bu vui mừng, lập tức gieo trồng. Với sự chăm chỉ, siêng năng của Heng-bu, cây bầu lớn nhanh như thổi, những trái bầu treo lủng lẳng trên giàn chẳng mấy chốc đã có thể thu hoạch. Heng-bu vui mừng hái những quả bầu xuống. Kì lạ thay, bổ quả bầu thứ nhất, trân châu tuôn ào ạt; bổ quả bầu thứ hai, bên trong đầy hồng ngọc; bổ quả bầu thứ ba, thứ tư, toàn tiền vàng, tiền bạc. Nhờ đó, gia đình Heng-bu trở nên giàu có.

Nghe tin ấy, người anh ngạc nhiên, tò mò không biết chuyện gì đã xảy ra. Người anh nghĩ chỉ có thể là Heng-bu đi ăn cắp ăn trộm mới giàu có thế được, quyết định đến nhà Heng-bu để giành lấy của cải. Thấy anh lâu ngày đến chơi, vợ chồng Heng-bu tiếp đãi thịnh soạn, thức ăn dọn ra nhiều đến mức muốn gãy cả chân bàn. Trông thấy vậy, Non-bu lại lên giọng quát mắng em:

- Này thằng Heng-bu kia, ai đã dạy mày đi ăn trộm ăn cướp đấy? Nếu mày không nói thật thì tao sẽ lôi cổ mày đến quan trình báo.

Nghe lời người anh nói vậy, vốn bản tính thật thà, Heng-bu liền kể lại đầu đuôi câu chuyện. Vừa nghe xong, người anh tức tốc chạy về nhà, bèn với vợ bắt một con chim nhạn.

Mùa đông đã đến, năm ấy, cũng có một đôi chim nhạn bay đến làm tổ dưới nhà hiên nhà Non-bu. Hai vợ chồng người anh mừng quýnh, ngày nào cũng chờ đợi xem có con chim nào rơi xuống, bị gãy chân không. Chờ đợi lâu quá, Non-bu bàn với vợ, bắt con nhạn con, bẻ gãy chân của nó rồi cũng băng bó vết thương cho nó. Mùa thu đến, thấy gia đình nhà nhạn chuẩn bị bay về phương Nam, Non-bu không quên dặn:

- Chính ta đã cứu sống mày, sang năm, vào mùa xuân, hãy trở lại đây, mang cho tao nhiều hạt bầu vào nhé.

Đúng như mong ước của Non-bu, mùa xuân sau đó, chim nhạn quay trở lại, mang cho Non-bu hạt giống cây bầu. Hai vợ chồng vội vàng nhặt lấy hạt giống đem trồng. Cuối cùng, cây bầu kết được mười quả như mong chờ. Non-bu quyết định bổ bầu, trong lòng sung sướng vì sắp có tiền bạc, chân báu.

Quả bầu thứ nhất bổ ra, có một tiếng chớp lóe lên kéo theo tiếng nổ. Trớ trêu thay, không phải là trân châu tuôn ào ạt mà lại là các tráng sĩ tay cầm gậy bước ra từ quả bầu. Trông thấy Non-bu, các tráng sĩ dùng gậy quật tới tấp. Hai vợ chồng Non-bu bị đánh, chỉ còn biết nhận tội đã bẻ gãy chân chim nhạn và nộp năm nghìn lượng bạc mới được tha. Tuy bị đánh một trận tơi bời như vậy, song Non-bu vẫn mơ về giấc mơ giàu sang, phú quý. Hai vợ chồng Non-bu lại tiếp tục bổ quả bầu thứ hai. Lần này cũng không phải là hồng ngọc mà lại là một đám cướp dữ tợn. Trông thấy Non-bu, đám cướp đập vỡ nhà, lục lọi khắp nơi, lấy hết tài sản và lúa gạo mang đi. Giờ đây, Non-bu chỉ còn lại căn nhà nát. Non-bu quyết định bổ quả bầu thứ ba. Ai ngờ một bọn yêu tinh hung tợn xuất hiện. Những trái bầu còn lại cũng xuất hiện toàn yêu tinh. Sợ hãi quá, hai vợ chồng Non-bu phải bỏ đi làm ăn mày, kiếm sống qua ngày.

Biết hoàn cảnh của người anh, Heng-bu đi tìm khắp nơi và mời gia đình người anh về nhà cùng chung sống. Nghe em nói vậy, Non-bu hối hận, ôm chầm lấy người em mà khóc nức nở.

Câu chuyện luôn nhắc nhở em phải biết yêu thương, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là anh em trong một gia đình; không được ích kỉ, tham lam, làm điều ác với mọi người bởi “tham thì thâm”.

Đánh giá (379)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy