ican
Giải SGK Văn 6 Cánh diều
Viết 1: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

Viết: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

Ican

VIẾT

VIẾT BÀI VĂN KỂ LẠI MỘT TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT HOẶC CỔ TÍCH

Bài tập: Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng.

1. Dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu hoặc nêu lí do kể lại truyền thuyết Thánh Gióng.

- Thân bài: Dựa vào các sự kiện chính trong truyện Thánh Gióng đã học, hãy kể bằng lời văn của em. Ví dụ, kể theo trình tự sau:

+ Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng.

+ Gióng xin đánh giặc và lớn nhanh như thổi.

+ Gióng ra trận đánh giặc.

+ Giặc tan, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời.

+ Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng.

+ Gióng còn để lại nhiều dấu tích.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện hoặc nhân vật chính trong truyện Thánh Gióng.

2. Viết

Sự việc chính

Lời văn của em

Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng

Câu chuyện ấy xảy ra từ đời Hùng Vương thứ sáu. Ở làng Gióng có hai ông bà nổi tiếng là sống phúc đức. Hai ông bà rất mong có một đứa con. Thế rồi, một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ về nhà bà mang thai.

Điều kì lạ là mãi 12 tháng sau bà mới sinh ra được một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Nhưng kì lạ hơn nữa là đứa trẻ đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

Gióng xin đi đánh giặc và lớn nhanh như thổi

Lúc bấy giờ, giặc Ân sang xâm phạm bờ cõi nước ta. Chúng coi mạng người như cỏ rác, nhân dân khổ trăm bề. Nhà vua vô cùng lo lắng, bèn sai sứ giả đi tìm người tài cứu nước. Hôm ấy, sứ giả cưỡi ngựa đến làng Gióng. Vừa nghe thấy tiếng rao của sứ giả, đứa bé bỗng cất tiếng nói đầu tiên trong sự ngỡ ngàng, sung sướng của người mẹ: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Nhờ được nghe những câu chuyện kì lạ về Gióng từ người dân, sứ giả liền đi theo người mẹ. Khi sứ giả vừa vào nhà, đứa bé liền bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan giặc này”. Sứ giả mừng rỡ, tức tốc về kinh tâu vua. Vua nghe xong, cho truyền những người thợ giỏi nhất trong cả nước ngày đêm làm gấp những đồ chú bé dặn.

Kể từ sau khi gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, đành cậy nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ. Dân làng ai nấy đều vui lòng góp gạo nuôi chú bé với niềm tin chú bé sẽ giết giặc, cứu nước.

Gióng ra trận đánh giặc

Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa đúng lúc, sứ giả theo lệnh nhà vua đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng. Trông rất oai phong, lẫm liệt. Thế rồi tráng sĩ một mình một ngựa lao thẳng đến nơi có giặc đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ bụi trên bên đường quật vào quân giặc. Trước sức mạnh phi thường của tráng sĩ, quân giặc chết như ngả rạ, đám tàn quân tìm giẫm đạp lên nhau, tìm đường chạy trốn.

Giặc tan, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời

Đất nước sạch bóng quân thù, song Thánh Gióng không trở về quê nhà nhận thưởng, người anh hùng cứu nước ấy đến chân núi Sóc Sơn, cởi bỏ áo giáp sắt rồi một mình một ngựa bay lên trời.

Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng

Để ghi nhớ công ơn của người anh hùng cứu nước, nhà vua phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, cho dân làng lập đền thờ ngay ở quê nhà.

Gióng còn để lại nhiều dấu tích

Hàng năm, vào tháng tư âm lịch, ở làng Phù Đổng, tục là làng Gióng, để tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng, nhân dân lại tổ chức lễ hội - một lễ hội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cho đến ngày nay, người ta vẫn kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa sắt phun lửa bị cháy nên mới ngả màu vàng óng như thế. Ngôi làng bị lửa sắt thiêu trụi được gọi là làng Cháy. Và những dấu chân ngựa còn để lại biết bao ao hồ liên tiếp. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết: “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại” (Trích Trường ca mặt đường khát vọng).

Đánh giá (390)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy