ican
Giải SGK Văn 6 Cánh diều
Văn bản 1: Thánh Gióng

Văn bản 1: Thánh Gióng

Ican

VĂN BẢN 1: THÁNH GIÓNG

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

- Nhận biết được một số yếu tố hình thức (chi tiết, cốt truyện, nhân vật, yếu tố hoang đường,…), nội dung (đề tài, chủ đề, ý nghĩa, thái độ người kể,...) của truyện truyền thuyết.

- Sử dụng được từ đơn và các loại từ phức (từ ghép, từ láy) trong hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

- Kể lại một truyền thuyết hoặc cổ tích đã học (hoặc đã đọc, đã nghe) bằng các hình thức nói và viết.

- Tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; cảm phục và trân trọng những người thông minh, có tài.

KIẾN THỨC NGỮ VĂN

1. Truyện truyền thuyết và truyện cổ tích

- Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương theo quan niệm của nhân dân.

- Truyện cổ tích là loại truyện dân gian, thường yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật như: nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh, nhân vật bất hạnh, nhân vật ngốc nghếch, người mang lốt vật,... nhằm thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu,...

2. Chi tiết, cốt truyện, nhân vật

- Chi tiết là những sự việc nhỏ trong văn bản, tạo nên sự sinh động của tác phẩm, ví dụ: chi tiết cậu bé lên ba mà vẫn không biết nói, biết cười trong truyện “Thánh Gióng”.

- Cốt truyện là một hệ thống sự kiện được sắp xếp theo một ý đồ nhất định nhằm thể hiện nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, ví dụ cốt truyện “Thánh Gióng” gồm các sự kiện chính: Gióng sinh ra kì lạ; đòi đi đánh giặc; đánh tan giặc; bay về trời.

- Nhân vật là người, con vật, đồ vật,... được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học. Đặc điểm của nhân vật thường được bộc lộ qua hình dáng, cử chỉ, hoạt động, lời nói, ý nghĩ,...

 

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

THÁNH GIÓNG

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 18)

- Một số sự kiện chính của truyện “Thánh Gióng”:

+Gióng được mẹ sinh ra một cách kì lạ; đến ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu nằm đấy.

+ Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói đòi đi đánh giặc.

+ Gióng lớn nhanh như thổi nhờ sự giúp sức của dân làng.

+ Giặc Ân đến chân núi Trâu, Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng, một mình một ngựa lên đường đánh giặc.

+ Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường, đánh cho giặc tan tác muôn phương.

+ Sau khi thắng trận, Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, cả người cả ngựa từ từ bay về trời.

+ Vua nhớ công ơn phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ở quê nhà. Hàng năm, nhân dân lại mở hội làng để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 18)

- Trong truyện, Thánh Gióng hiện lên với những phẩm chất cao đẹp:

+ Đó là một người yêu nước mãnh liệt, có tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân.

+ Đó là một vị anh hùng dân tộc rất dũng cảm - một mình một ngựa đi đánh giặc, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân; rất mưu trí - nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh tan quân giặc khi roi sắt gãy.

+ Một người anh hùng không màng danh lợi, bổng lộc. Sau khi đánh giặc xong, Thánh Gióng một mình một ngựa bay về trời, sống mãi cùng với non sông, đất nước.

- Tên truyện “Thánh Gióng” thể hiện thái độ tôn kính, ngưỡng mộ của người kể chuyện đối với nhân vật Gióng.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 18)

- Các chi tiết cho thấy truyện có liên quan đến lịch sử:

+ Câu chuyện gắn liền với một thời đại có thật trong lịch sử dân tộc - thời đại Hùng Vương. Đây là thời đại mà giặc ngoại xâm luôn lăm le bờ cõi nước ta. Trong cuộc chiến ấy đã có những người anh hùng phi thường đứng lên đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Những người anh hùng ấy được gửi gắm vào hình tượng nhân vật chính của truyện - nhân vật Thánh Gióng.

+ Người Việt lúc bấy giờ đã chế tạo ra vũ khí bằng sắt: ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt.

+ Những dấu tích Thánh Gióng để lại như “tre ngà”, “làng Cháy”, “những ao hồ liên tiếp” là đặc điểm tự nhiên, dân cư có thật ở Bắc Bộ.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 18)

 

Những chi tiết hoang đường, kì ảo

trong truyện

Tác dụng

- Người mẹ ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử, không ngờ về nhà bà thụ thai, 12 tháng sau sinh ra Thánh Gióng.

- Ba tuổi Thánh Gióng vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

- Chứng tỏ Thánh Gióng có nguồn gốc siêu phàm.

- Báo hiệu trước những khả năng phi thường của nhân vật.

- Tiếng nói đầu tiên của Thánh Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc cứu nước: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.

- Thể hiện tình yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam.

- Khi đất nước hòa bình, người dân thầm lặng lao động; khi đất nước có chiến tranh, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

- Gióng lớn nhanh như thổi (cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ), vươn vai một cái bỗng biến thành tráng sĩ.

- Thể hiện quan niệm của nhân dân về người anh hùng: khổng lồ về thể xác, mang sức mạnh phi thường.

- Thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của đất nước trước nạn ngoại xâm.

- Một mình một ngựa Thánh Gióng phi thẳng đến nơi có giặc, giết hết lớp này đến lớp khác. Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường, đánh cho giặc tan tác muôn phương.

- Thánh Gióng có lòng dũng cảm, có sức mạnh phi thường.

- Thánh Gióng là một người mưu trí.

- Sau khi thắng trận, Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, cả người cả ngựa từ từ bay về trời.

- Thánh Gióng đánh giặc không phải để “kiếm tước phong hầu”, Gióng đánh giặc xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước.

- Tô đậm, ca ngợi người anh hùng dân tộc không màng danh lợi, bổng lộc.

- Đây là cách nhân dân bất tử hóa người anh hùng đánh giặc cứu nước.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 18)

- Truyện đã phản ánh hiện thực lịch sử: Vào thời Hùng Vương, giặc ngoại xâm luôn đe dọa bờ cõi nước ta. Nhân dân đã đoàn kết cùng nhau đánh tan quân giặc, bảo vệ bờ cõi.

- Truyện cũng thể hiện ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 18)

- Tên gọi Hội khỏe Phù Đổng của đại hội thể dục thể thao dành cho học sinh dành cho phổ thông Việt Nam xuất phát từ truyền thuyết Thánh Gióng.

+ Sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa bay về trời; tưởng nhớ công ơn của người anh hùng đánh giặc cứu nước, vua phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương (vị thiên vương ở làng Phù Đổng).

+ Tên gọi thể hiện mong muốn thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ lấy Thánh Gióng là một tấm gương để học tập và noi theo: có sức khỏe, có lòng yêu nước để bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá (202)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy