ican
Soạn Văn 12
Những đứa con trong gia đình

Soạn Những đứa con trong gia đình

Văn 12 bài Soạn Những đứa con trong gia đình: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn Những đứa con trong gia đình giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH

- Nguyễn Thi -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 63)

- Đoạn trích “Những đứa con trong gia đình” được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật Việt.

- Tác dụng:

+ Đem đến màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên và tạo điều kiện cho tác giả thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để dẫn dắt câu chuyện.

+ Diễn biến câu chuyện rất linh hoạt, không phụ thuộc vào trật tự không gian, thời gian.

+ Góp phần làm nổi bật cá tính, phẩm chất, tâm lí của nhân vật: vừa là một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm vừa có những nét hồn nhiên, vô tư của một chàng trai mới lớn.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 64)

- Chính truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã gắn bó những con người trong gia đình với nhau:

+ Chú Năm chính là khúc thượng nguồn trong dòng chảy của “dòng sông truyền thống gia đình”. Chú gánh vác việc gia đình, tạo cơ hội cho thế hệ Việt, Chiến trực tiếp cầm súng chiến đấu, lập chiến công trả thù.

+ Việt và chị Chiến chính là khúc hạ lưu trong dòng chảy của “dòng sông truyền thống”. Chị giống hết má – biết lo toan, sắp xếp chuyện gia đình; luôn yêu thương, nhường nhịn Việt. Còn Việt, tuy có phần vô tư, lộc ngộc của một cậu con trai mới lớn nhưng từ ngày đi bộ đội, Việt cũng đã trưởng thành hơn.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 64)

* Giống nhau:

- Có sinh ra trong gia đình nông dân Nam Bộ với những đau thương chồng chất nhưng vẫn sáng ngời những chiến công vẻ vàng, hào hùng.

- Đều mong muốn được đi bộ đội, cầm súng đánh giặc, trả mối thù nhà.

- Đều là những chiến sĩ dũng cảm trong đánh giặc.

* Khác nhau:

- Chị Chiến: Đảm đang, tháo vát, chu toàn:

+ Chị Chiến trong cảm nhận của Việt rất giống má: “Bắp tay tròn vo, sạm đỏ, thân người to và chắc nịch”. Đặc biệt, trong cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội, chị lo toan mọi việc chu toàn:

  • Viết thư cho chị hai.
  • Nhà cửa cho xã mượn mở trường học.
  • Gửi út em sang nhà chú Năm.
  • Quyết định năm công ruộng trao lại cho chi bộ đặng chia cho cô bác.
  • Hai công mía nhờ chú Năm đốn, để dành đó làm đám giỗ ba má.
  • Đem bàn thờ sang gửi cho chú Năm…

- Việt: Lộc ngộc, vô tư, hồn nhiên, hiếu động:

+ Hay tranh giành với chị Chiến.

+ Đêm trước ngày ra đi, Việt lúc “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, lúc lại rình “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”.

+ Vào bộ đội, Việt vẫn đem theo một chiếc súng cao su.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 64)

- Biểu hiện của khuynh hướng sử thi:

+ Hình tượng cuốn sổ gia đình: Cuốn sổ là lịch sử của gia đình mà qua đó thấy lịch sử của một đất nước, một dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chú Năm – khúc thượng nguồn chính là người lưu giữ truyền thống (trong câu hò, trong cuốn sổ).

+ Số phận của những đứa con, những thành viên trong gia đình cũng là số phận của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Bao người cũng phải chịu mất mát, đau thương như chị em Việt: ông nội bị giặc giết, cha bị chặt đầu, má bị trúng đạn của Mĩ, thím Năm cũng bị giặc bắn chết.

+ Hình tượng dòng sông truyền thống gia đình: từ thế hệ trước đến thế hệ sau đều một lòng hướng về dân tộc.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 64)

- Đoạn văn cảm nhận nhất trong truyện chính là đoạn Việt và Chiến mang bàn thờ ba mẹ sang gửi chú Năm. Bởi lẽ, đoạn văn đã cho thấy sự trưởng thành của hai chị em Việt và Chiến – hai chị em có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp vào cuốn sổ gia đình. Bên cạnh đó, người đọc cũng thấy được không khí trang trọng, thiêng liêng giúp Việt trưởng thành hơn: “Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế…”. Dường như chỉ với một đoạn văn, người đọc lại thêm trân trọng tình cảm gia đình. Chính tình cảm thiêng liêng ấy đã hun đúc, tạo nên sức mạnh để Việt và Chiến lên đường chiến đấu “đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”…

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Truyện kể về những người con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hương, cách mạng. Chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

2. Giá trị nghệ thuật

Tác phẩm thể hiện những đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn Nguyễn Thi: trần thuật qua dòng hồi tưởng của nhân vật, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí sắc sảo; ngôn ngữ phong phú, góc cạnh và đậm chất Nam Bộ.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 64)

* Phân tích đoạn đối thoại giữa Việt và Chiến trong đêm trước ngày nhập ngũ:

- Việt giận dỗi chị: “Chị biết vậy sao hồi nãy chị ngăn tôi? Người ta mười tám tuổi rồi mà nói chưa…”.

- Chị Chiến nhắc Việt viết thư cho chị Hai nhưng rồi Việt không nhận vì “sắp đi tới nơi mà còn bắt viết thư” nên chị lại nhận trách nhiệm viết thư thông báo.

- Chị Chiến thu xếp công việc trong gia đình:

  • Viết thư cho chị hai.
  • Nhà cửa cho xã mượn mở trường học.
  • Gửi út em sang nhà chú Năm.
  • Quyết định năm công ruộng trao lại cho chi bộ đặng chia cho cô bác.
  • Hai công mía nhờ chú Năm đốn, để dành đó làm đám giỗ ba má.
  • Đem bàn thờ sang gửi cho chú Năm…

Trong khi Việt vẫn vô tư, hồn nhiên “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay”, phó thác công việc cho chị Chiến: “Tôi nói chị tính sao cứ tính mà…” rồi ngủ quên lúc nào không hay.

à Qua đó, người đọc thấy được chị Chiến tuy hơn Việt một tuổi nhưng biết lo toan, thu xếp cho gia đình; còn Việt vẫn còn vô tư, lộc ngộc, đúng theo tính cách của một chàng thanh niên mới lớn…

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 64)

HS tự tìm đọc trọn vẹn tác phẩm.

 

Gợi ý Văn 12 Soạn Những đứa con trong gia đình do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (472)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy