ican
Ngữ Văn 11
Chữ người tử tù

Soạn bài Chữ người tử tù

Văn 11 bài Soạn bài Chữ người tử tù: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Chữ người tử tù giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn.

Ican

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

_Nguyễn Tuân_

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1: SGK – 114

Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra tình huống truyện đọc đáo: Cuộc gặp gỡ đầy éo le, khác thường giữa Huấn Cao và quản ngục.

- Hai nhân vật: Huấn Cao và Quản ngục, trên bình diện xã hội hoàn toàn đối lập nhau, nhưng hai nhân vật này đều là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Trên bình diện nghệ thuật, họ là những người tri âm, tri kỉ với nhau.

- Tác giả đã đặt những nhân vật này vào tình thế đối địch: tử tù và quản ngục, tạo nên cuộc gặp gỡ kì lạ trong chốn ngục tù tối tăm, dơ bẩn.

Mối quan hệ đặc biệt éo le, đầy trớ trêu giữa những những tâm hồn tri âm, tri kỉ. Từ đây nảy sinh nhiều kịch tính: người tử tù thành người mà viên quản ngục nhờ vả muốn xin chữ; đồng thời lại là người mở đường hướng thiện cho cuộc sống về sau của viên quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã giúp làm nổi bật trọn vẹn, tự nhiên vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao và làm sáng tỏ tấm lòng biệt đãi người tài của viên quản ngục. Đồng thời chủ đề, tư tưởng của tác phẩm cũng được thể hiện.

Câu 2: SGK – 114

Huấn Cao là một người tài hoa khác thường. Ông có tài viết chữ rất đẹp, "chữ đẹp và vuông lắm", khiến nhiều người mơ ước có được chữ viết của ông treo trong nhà của mình, trong đó có viên quản ngục.

Huấn Cao là một con người hiên ngang, khí phách, là một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Một tử tù đợi ngày ra pháp trường vẫn giữ trạng thái ung dung, tự tại và không nề nao núng. Đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ. Sự ngang tàng của ông còn được thể hiện qua thái độ không quỵ lụy trước cường quyền và hơn nữa lại còn rất miệt thị viên quản ngục.

Ông còn là một người có "thiên lương" trong sáng và cao đẹp. Thể hiện ở thái độ tôn trọng trước một nhân cách đẹp (viên quản ngục), trước một người nghệ sĩ có cái sở nguyện trong sáng. Ông sẵn sàn cho chữ, sẵn sàng chia sẻ những lời gan ruột chân thành với viên quản ngục trước khi vào kinh thành thụ án: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn đi… ở đây thiên lương khó giữ cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi". Đó là sự ứng xử đáng trọng của một nhân cách cao cả.

Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn bày tỏ những quan niệm của mình về cái đẹp. Với Nguyễn Tuân, cái tài phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan niệm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.

Câu 3: SGK – 114

Quản ngục là người coi ngục, là công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời. Thế nhưng, quản ngục lại có một thú vui tao nhã là say mê chơi chữ đến lạ kỳ, ngay từ khi mới biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, ông đã có cái sở nguyện là ngày kia sẽ được treo trong nhà riêng của mình câu đối do chính ông Huấn Cao viết.Vì có sở thích cao quý nên ông coi thường tính mạng của mình. Đó là ông muốn xin Huấn Cao chữ, nhờ thơ lại xin chữ, và đối đãi đặc biệt với tử tù. Đây là cuộc chạy đua nguy hiểm, nếu bị lộ quản ngục chắn chắc sẽ không giữ được mạng sống của mình.Vì muốn xin chữ Huấn Cao nên lần đầu đã sai thơ lại bí mật dâng rượu thịt cho Huấn Cao, sau đó vẫn nhẹ nhàng khiêm tốn, bị Huấn Cao xua đuổi vẫn nhã nhặn.

Ta có thể nói là quản ngục đã chọn nhầm nghề, đó là giữa bọn người gian dối, lừa lọc thì hắn lại có tính cách dịu dàng và biết trọng người ngay, vẫn giữ được cái thiên lương và giữ gìn nét đẹp văn hóa. Quản ngục có một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa đã lạc vào chốn nhơ bẩn. Tuy làm nghề thất đức nhưng y vẫn có một tâm hồn cao đẹp.Có thể thấy, giữa cái chế độ phong kiến suy tàn, giữa trốn quan trường đầy rẫy những bất lương, vô đạo quản ngục đúng là một con người Vang bóng.

quản ngục còn là người tuy không sáng tạo ra cái đẹp, nhưng lại là người biết trân trọng và giữ gìn cái đẹp

Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục cho thấy đây cũng là một nhân cách đẹp, một "tấm lòng trong thiên hạ" tri âm, tri kỉ với Huấn Cao. Đó là "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đểu hỗn loạn xô bồ".

Câu 4: SGK – 114

- Địa điểm cho chữ đặc biệt:

+ Thông thường người ta cho chữ và xin chữ ở những nơi sạch sẽ, yên tĩnh, tôn nghiêm, trang trọng.

+ Cảnh cho chữ và xin chữ trong tác phẩm diễn ra ở nhà tù tối tăm, bẩn thỉu, xưa nay chỉ tồn tại cái xấu và cái ác.

- Thời điểm cho chữ đặc biệt:

+Thông thường người ta cho chữ khi tâm trạng thoải mái, thư thái, thanh thản, tâm tĩnh.

+ Thời điểm cho chữ ở tác phẩm là đêm trước khi Huấn Cao đi chịu án tử hình, dành trọn những phút cuối đời để tặng lại cái đẹp cho đời, cho tấm lòng ở đời ⟶ đặc biệt.

- Vị thế của người cho chữ và xin chữ đặc biệt:

+ Người cho chữ là người nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp lại ở vị thế của tử tù; vốn là đối tượng cần được giáo dục, cảm hóa lại ban phát những lời khuyên chí tình cho quản ngục.

+ Người xin chữ ở vị thế quản ngục, cai quản tử tù, tiếp nhận, bái lĩnh những lời khuyên của tử tù.

Vị thế trên bình diện xã hội khác, trên bình diện nghệ thuật lại khác.

Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải kẻ thống trị làm chủ mà là người làm tù làm chủ. Cái thiện vẫn hiện lên mạnh mẽ chiến thắng được cái ác. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối; là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người.

Câu 5: SGK – 114

Tác phẩm Chữ người tử tù đã thể hiện được tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; trong nghệ thuật dựng cảnh (cảnh trong tác phẩm được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản, làm nổi bật sự đối lập gay gắt giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, tính cách và hoàn cảnh),khăc họa tính cách nhân vật - nhân vật được dựng lên bằng bút pháp lý tưởng hóa cảm hứng lãng mạn,tạo không khí cổ kính, trang trọng; trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Giá trị nội dung:

Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao - môt con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang bất khuất. Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.

Giá trị nghệ thuật

Tác phẩm thể hiện tài năng của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng; trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình...

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài tập SGK – 115

Trong Chữ người tử tù, ngòi bút Nguyễn Tuân đã tập trung khắc hoạ vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao. Vẻ đẹp của Huấn Cao trong Chữ người tử tù được thế hiện ở ba phẩm chất:

Huấn Cao là một con người tài hoa siêu việt, đầy uy lực. Ông có tài viết chữ, chữ ông "đẹp và vuông lắm". Nó nức tiếng khắp vùng tỉnh Sơn. Nó khiến cho viên quản ngục say mê đến mê muội, ngày đêm mong có được chữ của ông để treo trong nhà.

Khí phách hiên ngang, bất khuất, Huấn Cao là một trang anh hùng. Huấn Cao là một kẻ "đại nghịch" đã đành, ngay cá khi bắt đầu đặt chân vào nhà lao này, ở ông vẫn giữ được cái thế hiên ngang. Sự ngang tàng của Huấn Cao còn thể hiện thái độ không quỵ luỵ trước cường quyển và tù ngục.

Huấn Cao còn là một người có "thiên lương" trong sáng và cao đẹp. Nó thể hiện ở thái độ tôn trọng trước một nhân cách đẹp (viên quản ngục), trước một người nghệ sĩ có cái sở nguyện trong sáng. Ông sẵn sàng cho chữ, sẵn sàng chia sẻ những lời gan ruột chân thành với viên quản ngục trước khi vào kinh thành thụ án. Đó là sự ứng xử đáng trọng của một nhân cách cao cả.

 

Gợi ý Văn 11 Soạn bài Chữ người tử tù do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc bác bạn học tập vui vẻ.

 

Đánh giá (228)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy