ican
Ngữ Văn 11
Bài ca ngất ngưởng

Soạn bài Bài ca ngất ngưởng

Ngữ Văn 11: Soạn bài Bài ca ngất ngưởng chi tiết nhất, do đội ngũ Giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn, giúp học sinh học Ngữ Văn 11 tốt hơn

Ican

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG

_Nguyễn Công Trứ_

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1: SGK – 39

- Trong bài thơ, từ "ngất ngưởng" được lặp lại bốn lần.

- Ngất ngưởng từ láy tượng hình vốn được dùng sự vật ở độ cao chênh vênh, bất ổn định

- Nghĩa của từ "ngất ngưởng" trong bài: thể hiện bản lĩnh cá nhân, nhất là bản lĩnh này lại được thể hiện trong xã hội Nho giáo đề cao lễ nghĩa, thủ tiêu cá nhân.

+ Đoạn đầu, tác giả kể một cách khái quát các chặng đường làm quan và cho biết "Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng". Có thể đoán, sự ngất ngưởng mà ông thể hiện khi làm quan là bản lĩnh coi thường việc làm quan như bị trói buộc hay giam hãm trong lồng cũi. Sở dĩ phải làm quan vì đó là vị trí cần có để nhà nho thực hiện trách nhiệm với đời và do đó, kể cả khi làm quan, ông vẫn giữ lối sống tự do, không chấp nhận ra luồn vào cúi.

+ Ngất ngưởng cũng còn có nghĩa là sống theo ý thích mà không quan tâm đến sự đàm tiếu của dư luận (hai sự việc: cưỡi bò vàng đeo nhạc ngựa và cùng các cô hầu gái lên chùa). Ông khái quát thái độ bình thản của mình trước mọi chuyện được mất, khen chê. Ông muốn là một người tự nhiên, không muốn sống như Tiên, Phật cao siêu mà cũng không phải kẻ phàm tục, tầm thường.

Câu 2: SGK – 39

Nguyễn Công Trứ biết làm quan và mất tự do. Ông coi chốn quan trường là cái lồng giam hãm con người (Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng). Thế nhưng ông vẫn ra làm quan vì ông quan niệm đó là nơi để thể hiện tài năng và nhiệt huyết cho xã hội, cho triều đình, cho đạo vua tôi nên ông có quyền ngất ngưởng nhất trong triều. Vì ông coi việc làm quan là một điều kiện, một phương tiện để thể hiện hoài bão vì dân vì nước và tài năng của mình. điều quan trọng là trong một môi trường có nhiều trói buộc, ông vẫn thực hiện được lí tưởng xã hội của mình và vẫn giữ được bản lĩnh, cá tính.

Tóm lại, ngất ngưởng thực chất là một phong cách sống tôn trọng sự trung thực, tôn trọng cá tính, không chấp nhận sự khắc kỉ phục lễ, uốn mình theo lễ và danh của Nho giáo.

Câu 3: SGK – 39

Sau khi cởi mũ, cáo quan ra khỏi cuộc sống bó buộc chốn quan trường bon chen, Nguyễn Công Trứ có những hành vi kỳ quặc, lập dị đến ngất ngưởng. Người ta cưỡi ngựa đi giao du thiên hạ thì ông cưỡi bò, lại còn đeo cho một cái đạc ngựa khiến cả chủ lẫn tớ đều ngất ngưởng. Đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo kiếm cung bên người và mang theo “một đôi dì". Đó là lối sống phá cách của một con người thích làm những chuyện trái khoáy ngược đời để ngạo đời, thể hiện thái độ và khát vọng sống tự do tự tại.

Trong bài thơ, Nguyễn Công Trứ đã nói về mình, đánh giá chính mình. Giọng điệu tự thuật khẳng khái, đầy cá tính đã cho thấy ông rất thẳng thắn và có ý thức về cách sống của mình. Nguyễn Công Trứ hoàn toàn tự hào về những đóng góp cho xã hội, tự hào vì chính thái độ coi thường danh lợi, coi thường phú quý, công danh của mình.

Câu 4: SGK – 39

Thể hát nói phát triển mạnh bắt đầu từ những năm đầu thế kỉ XIX. Nhiều nhà nho, nhà thơ đã gửi gắm tâm sự của mình trong những sáng tác bằng thể hát nói.

So với thể thơ Đường luật gò bó, chật chội và tuân thủ chặt chẽ về niêm luật. hát nói phóng khoáng và tự do hơn, giãi bày những tâm sự của nhân vật trữ tình. Hát nói có quy định về số câu, về cách chia khổ nhưng nhìn chung người viết hoàn toàn có thể phá cách để tạo nên một tác phẩm tự do về số câu, số chữ, cách gieo vần, nhịp điệu…

Tính chất tự do đó có ý nghĩa quan trọng, giúp nhà thơ thể hiện khao khát tự do, khẳng định chính mình, cởi trói khỏi những ràng buộc của xã hội.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Giá trị nội dung

Bài thơ thể hiện rất rõ thái độ sống của Nguyễn Công Trứ giai đoạn cuối đời, sau những trải nghiệm đắng cay của cuộc sống quan trường. Đó là thái độ coi thường danh lợi, vượt lên thói thường để sống cuộc sống tự do tự tại. Giữa cái xã hội mà mọi cá tính đều bị thủ tiêu thì cái tôi “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ chẳng những bộc lộ một bản lĩnh cứng cỏi, sự thức tỉnh ý thức cá nhân mà còn thể hiện rõ một nhân sinh quan tiến bộ hiện đại.

Giá trị nghệ thuật

Vận dụng thành công thể hát nói. Giọng điệu thơ hóm hỉnh, khoa trương, ý vị trào phúng. Sử dụng điển tích, điển cố.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1 SGK – 39

Cùng sử dụng thể hát nói để sáng tác nhưng Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Hương Sơn phong cảnh ca) của Chu Mạnh Trinh và Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ có nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là trong các thức sử dụng từ ngữ:

Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ sử dụng ngôn ngữ phóng khoáng, tự do lại mang chút ngông, ngạo nghễ. Cách sử dụng từ ngữ ấy vừa thể hiện được quan niệm sống "ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ, vừa cho ta thấy được nét độc đáo trong phong cách sáng tác của ông. Đó cũng chính là điều làm nên sức hấp dẫn của thơ Nguyễn Công Trứ.

Bài ca phong cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh là bài thơ ca ngợi phong cảnh thiên nhiên trữ tình ở Hương Sơn - một trong những quần thể thắng cảnh và kiến trúc tuyệt đẹp ở Mĩ Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Vì thế nên tác giả đã sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tinh tế và thấm đẫm ý vị thiền.

 

Hy vọng Soạn bài Bài ca ngất ngưởng của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 11 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (484)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy