ican
Soạn Văn 9
Mùa xuân nho nhỏ

Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ

Văn 9 Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

MÙA XUÂN NHO NHỎ

- Thanh Hải -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 57)

- Mạch cảm xúc của bài thơ được khơi nguồn từ vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của đất nước, con người, lắng đọng trong những suy ngẫm, ước nguyện của tác giả để khép lại với lời ngợi ca quê hương, đất nước.

- Bố cục:

+ Khổ 1: Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.

+ Khổ 2 và khổ 3: Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước.

+ Khổ 4 và khổ 5: Khát vọng và lý tưởng sống cao đẹp của nhà thơ.

+ Khổ 6: Lời ngợi ca quê hương, đất nước qua làn điệu dân ca xứ Huế.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 57)

* Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước được miêu tả thông qua:

- Hình ảnh: bông hoa tím biếc, dòng sông xanh, chim chiền chiện, người cầm súng, người ra đồng, lộc giắt đầy trên lưng, lộc trải đầy nương mạ.

- Màu sắc: sắc xanh của nền trời, sắc xanh của dòng sông, cây lá hòa quyện với sắc tím mộng mơ đặc trưng cho xứ Huế cổ kính và thâm trầm.

- Âm thanh: rộn rã với tiếng chim chiền chiện lảnh lót trên bầu trời; rộn ràng, tươi vui theo bước chân người lính ra trận.

* Cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân đất nước:

- Nhà thơ say sưa, ngây ngất, trân trọng vẻ đẹp kì diệu của đất trời vào xuân:

+ Các tiếng “ơi … chi mà” tạo ra phép tu từ nhân hóa khiến cho câu thơ mang giọng điệu trò chuyện, tâm tình giữa thi nhân cùng chim chiền chiện.

+ Trong cảm nhận của Thanh Hải, tiếng chim chiền chiện như kết thành hình, thành khối, rơi xuống thành chuỗi. Nhà thơ đưa bàn tay ra hứng lấy mùa xuân: “Từng giọt long lanh rơi – Tôi đưa tay tôi hứng”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 57)

* Phân tích đoạn thơ “Ta làm con chim hót … Dù là khi tóc bạc”:

- Đoạn thơ “Ta làm con chim hót … Một nốt trầm xao xuyến” thể hiện khát vọng hóa thân, dâng hiến cho cuộc đời rộng lớn của tác giả:

+ Từ đại từ “tôi”, tác giả đã chuyển sang đại từ “ta” làm cho lời nguyện ước trở nên thiêng liêng, trang trọng. Bởi đó không chỉ là lời nguyện ước của tác giả mà là của tất cả mọi người.

+ Điệp ngữ “làm” (2 lần) kết hợp với phép lặp cấu trúc “Ta làm…” và biện pháp tu từ liệt kê (con chim hót, cành hoa, nốt trầm xao xuyến) đã giúp tác giả bày tỏ được ước nguyện hóa thân, hiến dâng cho quê hương, xứ sở.

- Đoạn thơ “Một mùa xuân nho nhỏ … Dù là khi tóc bạc” thể hiện lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ:

+ Hai tiếng “lặng lẽ” được đảo lên đầu câu để nhấn mạnh cách thức của sự dâng hiến. Đó là sự dâng hiến âm thầm, không ồn ào, khoa trương.

+ Điệp ngữ “dù là” kết hợp với những hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi – khi tóc bạc” đã khẳng định: Khát vọng cống hiến, hi sinh là khát vọng của mọi lớp người, mọi lứa tuổi.

* Cuộc sống của mỗi con người sẽ thực sự có ý nghĩa khi biết cống hiến, hòa nhập vào cuộc đời chung của đất nước, dân tộc.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 57)

* Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Điều đó được tạo nên từ:

- Thể thơ: 5 chữ - gần gũi với các làn điệu dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung.

- Cách ngắt nhịp: ngắt nhịp 3/2 xen với 2/3 linh hoạt. Đặc biệt, theo GS Trần Đỉnh Sử, nhà thơ còn chú ý “dùng vần trắc cuối năm khổ thơ” (các câu cuối các khổ thơ thứ nhất, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu) “tạo một âm vang giòn giã, như thể nhịp phách tiền”.

- Giọng điệu thay đổi linh hoạt: đoạn đầu vui tươi, say mê; đoạn giữa nghiêm trang, trầm lắng để khép lại bài thơ với sự sôi nổi, thiết tha trong âm vang “Nhịp phách tiền đất Huế”.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 57)

* Nhan đề bài thơ: Là một ẩn dụ thể hiện ước nguyện cao đẹp của nhà thơ: Mỗi người hãy là một mùa xuân để đóng góp cho đời những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất. Đó là quan niệm sống thống nhất giữa cái tôi – cái ta, cá nhân – cộng đồng.

* Chủ đề của bài thơ: Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và khát vọng sống cống hiến cho đất nước, dân tộc.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

2. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ theo thể 5 tiếng, có nhạc điệu, trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 58)

- Học sinh tự học thuộc lòng bài thơ.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 58)

Bằng những vần thơ giản dị, Thanh Hải đã khơi gợi lên trong lòng người đọc người đọc niềm yêu quý, tự hào về Tổ quốc thân thương:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Với Thanh Hải, đất nước như một bà mẹ tảo tần trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm lịch sử. Hai tính từ “vất vả” và “gian lao” đã đúc kết lại những trang lịch sử vừa vẻ vang vừa đau thương của dân tộc. Đó là khi cả nước phải “oằn mình” trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc: từ phong kiến phương Bắc với dã tâm muôn đời xâm chiếm nước ta cho đến thực dân Pháp – kẻ mượn danh nghĩa “khai hóa” để xâm lược, đàn áp nhân dân và đế quốc Mỹ - “người khổng lồ” mang tham vọng bá chủ thế giới. Song, dù đó là kẻ thù hùng mạnh nào trên thế giới, nhân dân ta đều anh dũng hi sinh, nén đau thương thành sức mạnh để viết nên những trang sử có máu và có hoa, để cả thế giới phải ngả mũ thán phục. Đất nước vất vả và gian lao là thế, song nhà thơ vẫn bộc lộ niềm tin yêu sâu sắc qua hình ảnh so sánh và nhân hóa: “Đất nước như vì sao – Cứ đi lên phía trước”. Bởi như muôn vàn ánh sáng tỏa sáng giữa trời đêm, đất nước ta sẽ luôn trường tồn, phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới” như tâm nguyện của Hồ Chủ tịch.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (220)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy