ican
Soạn Văn 9
Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Văn 9 Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VÀO THẾ KỈ MỚI

I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

- Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thế hệ trẻ Việt nam cần thấy rõ điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam, rèn cho mình những đức tính và thói quen tốt.

- Điểm mạnh của con người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, rất đoàn kết đùm bọc nhau trong thời kì chống ngoại xâm. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm yếu cần phải khắc phục: thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn.

- Để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.

2. Giá trị nghệ thuật

- Lí lẽ và cách lập luận giản dị mà chặt chẽ.

- Ngôn ngữ gắn với đời sống.

- Sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ vừa sinh động, cụ thể vừa ý vị, sâu sắc...

II. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 30)

- Tác giả viết văn bản vào năm 2001, là năm mở đầu của thế kỉ XXI và thiên niên kỉ thứ ba, tính từ đầu Công nguyên theo dương lịch.

- Vấn đề của bài viết: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới. Đây là vấn đề có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa lâu dài, bởi thế kỉ XXI là thế kỉ hội nhập, thế kỉ của nền kinh tế tri thức; với một đất nước còn chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, đang trên đà phát triển như Việt Nam, phải chuẩn bị hành trang mới có thể tận dụng thời cơ và vượt qua những thách thức phía trước.

- Những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn và cấp bách đặt ra cho đất nước ta, cho thế hệ trẻ: Cần phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu khi bước vào nền kinh tế mới.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 30)

* Trình tự lập luận của tác giả:

- Luận điểm: “Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới”.

- Sự chuẩn bị của bản thân con người là quan trọng:

+ Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử.

+ Trong thế kỉ tới, khi nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, vai trò của con người lại càng nổi trội.

- Bối cảnh thế giới hiện nay và nhiệm vụ mục tiêu của đất nước:

+ Bối cảnh thế giới hiện nay: sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ, làm cho tỉ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn; sự giao thoa, hội nhập của các nền kinh tế chắc chắn sâu rộng hơn.

+ Nhiệm vụ: Nước ta phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời lại phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

- Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam cần được nhìn nhận rõ khi bước vào nền kinh tế mới.

- Kết luận: Để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần phải phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 30)

- Trong bài này, tác giả cho rằng: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất”. Đây là một ý kiến đúng đắn, vì:

+ Con người là động lực phát triển của lịch sử.

+ Trong nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, con người lại càng có vai trò nổi trội.

+ Đầu tư vào con người: tri thức, khoa học công nghệ, tư tưởng, lối sống, kĩ năng…

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 30)

* Những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, thói quen của con người Việt Nam và mối quan hệ của chúng đối với nhiệm vụ đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay:

Điểm mạnh

Điểm yếu

Cái mạnh của con người Việt Nam là sự cần cù, sáng tạo.

=> Hữu ích đối với nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi.

Thiếu đức tính tỉ mỉ, hành động theo phương châm “nước đến chân mới nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”, chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương.

Có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, nhất là trong cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe dọa.

Thường đố kị nhau trong làm ăn và cuộc sống thường ngày.

Bản tính thích ứng nhanh giúp dân ta tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại.

Thái độ kì thị đối với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng của sự bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức cản trở sự phát triển của đất nước. Thói khôn vặt, ít giữ chữ tín gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 30)

- Những nhận định của tác giả Vũ Khoan có điểm tương đồng với những tác phẩm văn học và những bài học lịch sử nói về các phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam: cần cù, chịu thương chịu khó (Mồ hôi mà đổ xuống đồng – Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương – Mồ hôi mà đổ xuống vườn – Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm…), đoàn kết, tương thân tương ái (Lá lành đùm lá rách, Thương người như thể thương thân…)…

- Song, tác giả Vũ Khoan còn chỉ rõ những điểm yếu, thói hư tật xấu của con người Việt Nam cần phải khắc phục trong nền kinh tế mới.

- Thái độ của tác giả: tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vấn đề, không né tránh thực tế khách quan.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 30)

- Các thành ngữ, tục ngữ được sử dụng trong tác phẩm: nước đến chân mới nhảy, liệu cơm gắp mắm, trâu buộc ghét trâu ăn, bóc ngắn cắn dài, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”…

- Tác dụng:

+ Làm cho bài viết trở nên sinh động.

+ Cách nói vừa cụ thể vừa ý nhị, sâu sắc.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 31)

- Điểm mạnh của người Việt Nam:

+ Thông minh, sáng tạo: có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế về toán, lí, ngoại ngữ… Năm 2004, sinh viên Việt Nam lại đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu Á tại Hàn Quốc…

+ Yêu thương, đùm bọc lẫn nhau: trước đại dịch Covid, ở Việt Nam không chỉ có cây ATM gạo, cây ATM khẩu trang mà còn có siêu thị Ođ; trước lũ lụt, cả nước chung tay ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn…

- Điểm yếu:

+ Bệnh lề mề, làm việc theo giờ “cao su”.

+ Khôn vặt: chặt chém khách du lịch.

+ Tham lam: nhiều quan chức vơ vét tiền của của nhân dân để làm giàu cho bản thân, nhất là trong đại dịch Covid, có những cán bộ táng tận lương tâm khi nâng khống giá trang thiết bị y tế…

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 31)

- Em nhận thấy bản thân có sự cần cù, chịu thương chịu khó song em vẫn còn hay tự tin về bản thân. Để thay đổi, em sẽ cố gắng tham gia các hoạt động tập thể, trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng để bản thân tự tin hơn trước đám đông…

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (238)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy